Nhà máy in tiền, Đồn điền Chi Nê - nơi vinh dự đón Bác Hồ về thăm
Vào đúng dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, công trình Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê, huyện Lạc Thủy được khánh thành thực sự là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân trong tỉnh và của ngành Tài chính cả nước. Công trình được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa, quy mô gồm 1 nhà tưởng niệm, 2 nhà bia, nhà phụ trợ, cổng vào nhà tưởng niệm và cổng vào khu di tích, tạo điểm nhấn cho quần thể Khu di tích Nhà máy in tiền, nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình nhà tư sản Đỗ Đình Thiện và những người có công với cách mạng trong thời kỳ đầu đặt nền móng xây dựng ngành Tài chính quốc gia.
Đồn điền Chi Nê là nơi dừng chân của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cũng chính nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghỉ chân khi Người đi công tác ở tỉnh Thanh Hóa. Bác làm việc cả ngày 19/2/1947. Ngày 20/2/1947, Bác đi Thanh Hóa. Rạng sáng ngày 21/2/1947, Bác trở lại đồn điền Chi Nê và đến thăm Nhà máy in tiền. Bác căn dặn: "Đây là máy in của ta, các chú cần giữ gìn cẩn thận, phải thi đua nhau làm việc để in được nhiều tiền cho cả nước tiêu dùng vào công cuộc kháng chiến cứu quốc. Cán bộ và công nhân trong nhà máy phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, phải hết sức chú ý bảo quản và tiết kiệm tiền bạc của nhân dân...”. Sau khi đi thăm một số nơi trong nhà máy, Bác nói chuyện với đông đảo cán bộ, công nhân và tự vệ nhà máy. Buổi nói chuyện của Bác mọi người đều phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kỳ của nước ta.
Đến thăm chợ Đầm Đa, Người nhắc nhở Ủy ban Hành chính Phú Lão: "Phải rời ngay đến chỗ kín đáo đề phòng máy bay giặc bắn phá”. Bác cũng nhắc nhở cán bộ và nhân dân địa phương "Cố gắng tăng gia sản xuất làm ra nhiều ngô, lúa để ăn và ủng hộ kháng chiến”. Đêm 21/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời đồn điền về chùa Một Mái (Quốc Oai). Sáng 22/2/1947, máy bay giặc Pháp đã ném bom oanh tạc đồn điền Đỗ Đình Thiện, nhưng xưởng in tiền và kho bạc tại xóm Đồng Thung vẫn an toàn. Cán bộ, công nhân nhà máy vẫn vững vàng, tích cực sản xuất, in nhiều tiền phục vụ nền tài chính nước nhà.
Đồng chí Đinh Thị Bình, Phó Ban quản lý đi tích cho biết: Khu di tích Nhà máy tin tiền đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2007. Nhà máy in tiền cũng được trao kỷ lục Guinness Việt Nam là Nhà máy in tiền đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, Khu di tích Nhà máy in tiền đã hoàn thành, ngày càng phát huy được giá trị lịch sử cách mạng, trở thành địa chỉ đỏ, niềm tự hào về truyền thống cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ; để nhân dân và du khách thập phương tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng…
L.C ( Báo Hòa Bình điện tử)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận