Xây dựng thể chế pháp luật, phải theo sát đến cùng
Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng phải tập trung cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, bởi đây là nền tảng quan trọng để điều hành kinh tế-xã hội.
Sáng 5/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ trưởng phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về các dự án luật, pháp lệnh để nâng cao trách nhiệm trước quốc dân, đồng bào, trước Quốc hội và trước Chính phủ.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của người dân các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Thủ tướng cho rằng, tuy bão số 3 không lớn nhưng đã gây mưa lũ rất lớn ở miền Bắc, đặc biệt là cơn lũ dữ ở Thanh Hóa và tình trạng sạt lở nghiêm trọng đê biển Tây ở Cà Mau. Trước tình hình trên Chính phủ, Chính phủ đã chỉ đạo hai tỉnh Thanh Hóa và Cà Mau cùng với Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ hai tỉnh khắc phục những hậu quả của mưa lũ. Thủ tướng cho biết, công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay tại những tỉnh này là ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Thủ tướng nói: “Tôi xin thay mặt Chính phủ chia sẻ sự mất mát về người và tải sản do mưa lũ gây ra tại gây ra tại tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Cà Mau trong hai ngày vừa qua. Công việc này đang được tiếp tục chỉ đạo khắc phục tốt nhất, kịp thời nhất với các nhiệm vụ được giao của các địa phương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang trong đó lực lượng quân đội, lực lượng biên phòng đang ở trực tiếp các địa điểm này và tăng cường các lực lượng có liên quan. Hiện nay Bộ Nông nghiệp đã cử hai đoàn trực tiếp do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn đến các địa phương này để đưa ra phương án khắc phục tốt nhất cùng với địa phương”.
Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các đại biểu cho rằng còn xảy ra tình trạng thiếu đồng bộ giữa các luật. Đồng thời còn có tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung với luật chuyên ngành, giữa các văn bản hướng dẫn của luật này với văn bản hướng dẫn của luật khác.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục hành chính trùng lặp với nhau, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau, đi lại mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp doanh nghiệp không biết thực hiện theo quy định nào. Về phía cơ quan nhà nước, chính những sự chồng chéo, xung đột này khiến các cơ quan thực thi trở nên lúng túng, bị động khi giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Lộc để xảy ra thực trạng này là do hệ thống pháp luật đang trong tình trạng bị phân mảng, chưa phải là hệ thống đồng bộ.
Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Từ tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật này nên có tình trạng nhiều địa phương, bộ, ngành hiện nay đã chậm chễ và không dám giải quyết công việc, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động đầu tư trì trệ, chậm tiến độ; việc chậm chễ trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư trong thời gian qua kể cả đầu tư công và đầu tư nhân là biểu hiện rất rõ của biểu hiện chồng chéo, xung đột của các luật. Về nguyên tắc, luật ban hành sau ưu tiên so với luật ban hành trước, nhưng trên thực tế bộ ngành nào khi giải quyết công việc cũng thường viện dẫn luật của bộ, ngành mình; việc xử lý của các cơ quan thanh tra, kiểm tra cũng thường thiếu nhất quán nên hiện tượng né tránh, lo an toàn cho mình và đẩy khó khăn cho phía người dân và doanh nghiệp vẫn diễn ra gây rất khó khăn”.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ đồng ý với các ý kiến đại biểu phát biểu tại phiên họp. Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng phải tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, pháp luật, bởi đây là nền tảng quan trọng để điều hành kinh tế-xã hội, điều hành trong lĩnh vực mà bộ, ngành phụ trách.
“Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng để nâng cao chất lượng và trách nhiệm trước quốc dân, đồng bào, trước Quốc hội, trước Chính phủ. Lần này, chúng ta phải bám sát yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Bí thư theo hướng nâng cao trách nhiệm chất lượng văn bản và sự phân công hợp lý hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong quá trình dự thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý thông qua luật và đảm bảo sự lãnh đạo của đảng trong quá trình xây dựng pháp luật”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, Thủ tướng cho biết có 18/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án thứ nhất là chuyển việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh. Dẫn nội dung thông báo số 26 ngày 19/4/2017 của Ban Bí thư, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ các dự án luật, pháp lệnh do mình xây dựng trong suốt quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện cho đến khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; bảo đảm tính hệ thống, thông suốt, không cắt khúc trong quá trình xây dựng pháp luật. Trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan trình dự thảo thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Với sự thống nhất cao của các thành viên Chính phủ và ý kiến của các đại biểu tham dự phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, Chính phủ thống nhất lựa chọn phương án 1 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng Thủ tướng cho rằng thời gian qua ngành xây dựng có nhiều tiến bộ nhưng những vi phạm trong lĩnh xây dựng xảy ra còn nhiều, thất thoát còn lớn. Theo Thủ tướng, việc xây dựng dự án luật nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Đây là yêu cầu lớn đặt ra, trong đó phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, sửa được những bất cập, hạn chế trong đầu tư, xây dựng, cải cách mạnh mẽ hơn và phân cấp nhiều hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Phải dũng cảm phân cấp, cấp dưới chịu trách nhiệm là rất quan trọng. Bây giờ đã có sở xây dựng lớn, có các phòng xây dựng và có các tổ chức tư vấn. Vì vậy muốn làm gì thì ra Viện xây dựng. Chúng ta phải quán triệt luật này tới các cơ quan, bởi nếu chúng ta không quán triệt thì khi ra Quốc hội khó thông qua vì thực tiễn còn tồn tại nhiều bất cập trong vấn đề này. Tôi nói điều này để một mặt quản lý những khâu then chốt phải đảm bảo chất lượng an toàn trong thực hiện các công trình xây dựng ở nước ta. Nhưng mặt khác không cải cách, không phân cấp thì rõ ràng rất khó khăn. Không thể giữ tư duy cũ khi thực hiện luật được, lần này phải cải cách”.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên chính phủ, các cơ quan thẩm tra, thẩm định để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành khác trong lĩnh vực về cấp nguồn vốn, cấp phép xây dựng công trình nhà ở, chứng chỉ hành nghề xây dựng…để làm sao khi luật được sửa đổi phải tạo thuận lợi hơn cho người dân, cho tổ chức, chống được thất thoát, nâng cao chất lượng công trình, qua đó chống được tiêu cực tham nhũng trong lĩnh vực này.
Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp; Dự án Luật thanh niên (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp; Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Báo cáo về sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013./.
Việt Cường/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận