Xã luận: Quan hệ giữa Việt Nam với OIF và Pháp ngày càng sâu rộng
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 4 đến 7-10.
Với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, góp phần tăng cường, củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế.
Quan hệ hợp tác Việt Nam-OIF tiếp tục phát triển tốt đẹp trong những năm qua. Về chính trị-ngoại giao, OIF coi trọng vai trò và những đóng góp của Việt Nam, xem Việt Nam như hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội, lấy Việt Nam làm trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về kinh tế-thương mại, với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên (trong đó 54 quốc gia là thành viên chính thức), quy mô dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 20% thương mại toàn cầu, OIF có nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, số hóa/chuyển đổi số. Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Tính đến hết tháng 6-2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước thành viên OIF đạt 16,8 tỷ USD, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Với Pháp, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm, nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, trên cơ sở quan hệ song phương phát triển rất tích cực trong chặng đường hơn 50 năm qua. Về chính trị-ngoại giao, hai nước thường xuyên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn; hai bên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU và cộng đồng Pháp ngữ.
Hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu về viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 4,8 tỷ USD trong năm 2023 và 2,96 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024. Pháp có tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam đạt 3,62 tỷ USD, tổng vốn vay ưu đãi ODA đạt 3,3 tỷ USD.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, Pháp luôn coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp. Cùng với đó, hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực: Quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới...
Hợp tác văn hóa-du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Mỗi năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam. Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án có tổng trị giá 188 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công năm chéo Việt Nam-Pháp tại hai nước nhân kỷ niệm 40 năm (1973-2013) và 50 năm (1973-2023) thiết lập quan hệ ngoại giao; 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013-2023).
Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quốc phòng, an ninh, y tế và hợp tác địa phương diễn ra sôi động và ngày càng được tăng cường, mở rộng. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp có khoảng 350.000 người, là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất ở châu Âu, có nhiều đóng góp cho sở tại và gắn kết với quê hương.
Chúng ta tin tưởng rằng chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-OIF và quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực; qua đó, tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.
QĐND
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xa-luan-quan-he-giua-viet-nam-v...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận