Vụ ông Đoàn Ngọc Hải: “Sao không quan tâm đến nguyện vọng của cán bộ?“
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh điều này khi nói về trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức.
Sáng 6/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) đã có những chia sẻ với báo chí về sự việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó chủ tịch UBND quận 1) nộp đơn xin từ chức Phó Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Sài Gòn lên Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP HCM và Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn ngay sau khi được điều động, bổ nhiệm đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Theo đại biểu đoàn Đồng Nai, việc liên quan đến ông Hải cho thấy cơ chế trong việc sắp xếp cán bộ có vấn đề. Dù quy trình đã được nhắc đến nhiều, nhưng việc đánh giá cán bộ như thế nào để sử dụng tốt nhất dường như chưa được nói đến.
Một công chức phải có kỷ luật, mà quan niệm đơn giản là điều động phải thực hiện theo quy định của tổ chức, nhưng ngược lại, không thể bỏ qua nguyện vọng của cá nhân họ được.
“Tính tự nguyện của một con người rất quan trọng trong việc thực thi công việc của mình” – ông Dương Trung Quốc nói.
“Việc xin từ chức của ông Hải tưởng như vi phạm một nguyên tắc bất di bất dịch là phải phục tùng tổ chức. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận người lao động nói chung, cán bộ nói riêng trên nhiều phương diện, trên cơ sở rất tôn trọng đối tượng đó” - ông Quốc nói và nhấn mạnh điều này cũng cảnh tỉnh chúng ta một vấn đề, luật có thể quy định như vậy, nhưng năng lực để tuyển chọn, quyết định giữ hay đào thải một cán bộ, một con người là chuyện rất khó. Chưa kể đó còn là mối quan hệ con người và đằng sau đó là mối quan hệ xin - cho.
Ông Dương Trung Quốc cho rằng, có khi tổ chức điều động ông Hải lên trên cũng là một cách xử lý và không có nghĩa cứ chức vụ, bậc lương là một chuẩn mực duy nhất. Chuẩn mực duy nhất với một con người là làm sao để họ phát huy được mặt tốt đẹp, sở trường, chuyên môn.
Trả lời câu hỏi, với trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải nên hiểu theo nghĩa tích cực là từ chức một cách có văn hóa khi thấy mình không phù hợp, hay hiểu tiêu cực là không phục tùng tổ chức? ông Dương Trung Quốc nhận định đây là câu chuyện khó.
Nếu theo bình thường, ông Đoàn Ngọc Hải không phục tùng tổ chức. Còn nói đến văn hóa từ chức, đó là quyền cá nhân, nhưng đến nay vẫn chưa coi đó là quyền được thể hiện trong luật pháp, mà vẫn coi đây là sự từ bỏ, né tránh nhiệm vụ.
Xung quanh ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu ông Đoàn Ngọc Hải không chấp hành điều động của tổ chức sẽ có thể bị xem xét xử lý, ông Dương Trung Quốc cho biết, đây là quy chế hiện nay. Song, trong thực tế, khi thấy thực hiện quy định mà có vấn đề, thì nên xem xét những thay đổi của đời sống, nếu không, sẽ không giữ được những người giỏi, tốt cho bộ máy.
“Chúng ta không dung dưỡng thái độ vô kỷ luật, nhưng ông Hải có phải vô kỷ luật không? Tại sao việc điều động không quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của họ?”- ông Dương Trung Quốc đặt câu hỏi./.
PV/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận