Vụ Bãi Tư Chính cho thấy tham vọng phi lý không thay đổi của Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra là các quốc gia trong khu vực ứng phó ra sao khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Sử dụng "sức mạnh cơ bắp"
Trong những tuần qua, căng thẳng trong khu vực gia tăng nhanh chóng khi nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Bài viết của nhà phân tích Prashanth Parameswaran trên tờ The Diplomat cho rằng, diễn biến mới này phù hợp với mô típ quen thuộc mà người ta thường thấy liên quan đến hành vi của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông, nó đồng thời cho thấy sự ổn định mong manh ở tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới này.
Sự xâm phạm của tàu Hải Dương Địa chất 8 đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam gợi nhớ đến vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam hồi năm 2014. Trước hành vi vi phạm của phía Trung Quốc, Việt Nam đã có phản ứng thích hợp.
Hôm 19/7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.
Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung.
Trong khi một số chi tiết cụ thể về vụ đối đầu của các lực lượng Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực bãi Tư Chính trên Biển Đông vẫn chưa rõ ràng, theo phân tích của Parameswaran, vụ việc một lần nữa cho thấy mô típ quen thuộc của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh tìm mọi cách để cản trở hoạt động thăm dò năng lượng của các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông thông qua các hoạt động gây hấn leo thang.
Cũng phải lưu ý rằng những vụ việc tương tự không phải là mới, Trung Quốc từng điều tàu Haijing 35111 trực thuộc lực lượng Cảnh sát biển nước này tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia, gồm một lô dầu khí được cấp phép cho công ty Sarawak Shell từ ngày 10-27/5. Khi Malaysia điều hai tàu tiếp tế đến khu vực này, tàu hải cảnh Trung Quốc đã chạy quanh khiêu khích, “tiếp cận trong phạm vi 80m”, Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) cho biết.
Dù mối quan hệ giữa Trung Quốc và Phillipines đã “ấm” lên dưới thời của Tổng thống Rodrigo Duterte nhưng trong quá khứ, hai nước này cũng từng không ít lần có va chạm ở Biển Đông.
Tuyên bố chính thức của Mỹ về vấn đề này khẳng định đây là vấn đề có tầm quan trọng lớn trong khu vực vượt xa “một vụ việc thông thường”. Tuyên bố cũng thể hiện thái độ sẵn sàng lên tiếng hơn nữa của phía Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Trump nhằm phản đối những hành động như thế này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hôm 20/7 nêu rõ: “Mỹ quan ngại trước thông tin Trung Quốc can thiệp vào hoạt động thăm dò khí đốt, dầu mỏ ở Biển Đông, trong đó có hoạt động của Việt Nam - quốc gia đã tiến hành thăm dò và khai thác ở đây lâu năm.
Những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh năng lượng trong khu vực và nền hòa bình, ổn định tự do của thị trường năng lượng Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Bà Ortagus nhấn mạnh, Mỹ kịch liệt phản đối việc sử dụng vũ lực và đe dọa do bất kỳ bên nào tiến hành để khẳng định yêu sách chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải của mình. Trung Quốc nên chấm dứt các hành động bắt nạt và kiềm chế các hành động gây hấn và làm bất ổn tình hình.
“Ném đá dò đường”
Nửa đầu năm 2019 đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng ở nhiều thời điểm khác nhau giữa Trung Quốc với Việt Nam, với Malaysia và với cả Philippines trên Biển Đông ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo và thử tên lửa ở vùng biển này.
Bình luận về vụ việc tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) Gregory Poling cho rằng: “Điều này chứng tỏ Bắc Kinh muốn cố gắng ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí và khí đốt đơn phương của các nước láng giềng ở bất kỳ đâu trong cái gọi là ‘đường 9 đoạn’”.
Ông Poling cảnh báo, ngay cả khi quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã được cải thiện dưới thời ông Duterte thì Philippines hoàn toàn có thể rơi vào tình huống tương tự như Malaysia và Việt Nam nếu nước này tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực Bãi Cỏ Rong.
Mặc dù vậy, theo ông Poling, qua các sự cố với Malaysia và Việt Nam, có thể thấy Trung Quốc sẽ chỉ đưa ra các hành động khiêu khích kiểu “ném đá dò đường”.
Inquirer dẫn lời ông Poling: “Điều này cho thấy Trung Quốc có ý định làm như vậy (ngăn cản hoạt động thăm dò dầu mỏ, khí đốt của các nước khác ở Biển Đông) thông qua hành vi dọa nạt và ức hiếp chứ không sử dụng vũ lực trực tiếp. Khi các bên đứng lên chống lại hành vi đó và kiên quyết tiếp tục hoạt động thương mại của họ thì Trung Quốc nhiều khả năng sẽ rút lui và thử lại vào một lần khác”.
Nhận định của Poling không phải không có cơ sở nhưng nhìn xa hơn, câu hỏi lớn hơn sẽ là các quốc gia trong khu vực ứng phó ra sao khi Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các yêu sách chủ quyền phi lý, dần hiện thực hóa chúng bằng sức mạnh “cơ bắp”, đôi khi bất chấp cả luật pháp quốc tế và những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi để chèn ép các nước yếu hơn./.
Hùng Cường/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận