Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật
Chiều 10/4 tại phiên họp thứ 33, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Ban hành luật theo trình tự thông qua tại một kỳ họp
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết ngày 12/11/2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8, gồm: Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm tập trung vào các quy định về tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Theo đó, tại Điều 11, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã có quy định doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp về kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích phát triển thị trường bảo hiểm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm sự tương đồng về quyền của chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội-nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Luật cũng sẽ bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm.
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào một số vấn đề như sáng chế, sửa đổi Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng dành cho các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn, không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian ân hạn là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ. Về nhãn hiệu, bổ sung Điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định việc nộp đơn nhãn hiệu bằng phương tiện điện tử. Việc bổ sung quy định này nhằm đáp ứng nghĩa vụ tại Điều 18.24 của Hiệp định CPTPP.
Theo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng trình bày, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp. Hồ sơ Dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chuẩn bị đầy đủ dự thảo các văn bản quy định chi tiết thi hành các điều, khoản được giao trong Luật để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Bảo đảm sự tương thích với các cam kết trong Hiệp định CPTPP
Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với việc các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ trong dự án Luật chỉ giới hạn trong phạm vi nhằm thực hiện các cam kết đã có hiệu lực của Hiệp định CPTPP được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14. Các chính sách, quy định trong dự án Luật phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ để các chính sách và quy định của dự án Luật đáp ứng việc thực hiện tất cả các cam kết phải thực hiện vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định đã được quy định tại Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14.
Theo Tờ trình, đối với các cam kết khác trong Hiệp định CPTTP về sở hữu trí tuệ có thời hạn phải sửa đổi, bổ sung lâu hơn (3-5 năm) thì dự kiến sẽ được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo Phụ lục 3 của Nghị quyết 72/2018/QH14 thì việc cam kết bảo hộ nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực sau 2 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Do đó, nếu trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021 thì sẽ không bảo đảm việc thi hành cam kết. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc bổ sung quy định này trong dự thảo Luật.
Phát biểu kết luận nội dung nói trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là dự án Luật rất chuyên ngành, có nhiều nội dung phức tạp để thực hiện cam kết Hiệp định CPTPP mà Quốc hội đã phê chuẩn và có hiệu lực. Qua thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phạm vi điều chỉnh chỉ giới hạn trong việc nội luật hóa các cam kết của Hiệp định CPTPP. Liên quan đến 5 loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quy định trong dự thảo Luật, ông Uông Chu Lưu cho rằng theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thì ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải do Quốc hội xác định danh mục. Do vậy, các cơ quan cần rà soát kỹ để xác định đây có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay là điều kiện kinh doanh. Theo ông Uông Chu Lưu, kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm mới phát sinh được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu chờ sửa danh mục của Luật Đầu tư thì không bảo đảm tính kịp thời. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, giao cho Chính phủ ban hành nghị định “không đầu” (ban hành Nghị định khi chưa có luật), sau đó báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định vấn đề này để bảo đảm tính kịp thời thực hiện cam kết của Hiệp định CPTPP, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói.
Lê Sơn ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận