Tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Sẵn sàng cho cải cách tiền lương, nâng cao chất lượng công vụ
Ngày 7-11, trong chương trình Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Vấn đề cải cách tiền lương, xây dựng vị trí việc làm cũng như nâng cao chất lượng công vụ, bảo đảm thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cũng làm rõ nhiều nội dung liên quan đến phòng, chống tham nhũng, giải quyết tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, đổi mới giáo dục...
Nhức nhối tình trạng hàng giả, hàng nhái
Đại biểu Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công Thương về giải pháp cho tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không đúng với giới thiệu, quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, đặc biệt qua các kênh bán hàng online. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với quy mô lớn. Bộ Công Thương đã thực hiện một số giải pháp như bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu. Đồng thời, tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý các hoạt động vi phạm thông qua bán hàng online và các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục, điểm trung chuyển...
Đối với công tác xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong 3 năm gần đây, Việt Nam đều được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao khoảng 12,5% trở lên và liên tục xuất siêu. Để có được kết quả này, Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Tính đến nay, Việt Nam tham gia thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với độ phủ đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, hầu hết những nền kinh tế lớn trên thế giới đều đã tham gia. Việt Nam cũng đang tiếp tục đàm phán với một số nước, nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại, ưu đãi thương mại với một số đối tác mới. Chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế đối với các đối tác lớn có tiềm năng nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.
Hoàn thành danh mục vị trí việc làm, chuẩn bị cho cải cách tiền lương
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, tranh luận là công tác cải cách tiền lương. Đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nêu băn khoăn về việc xây dựng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị nói chung và cơ quan tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, việc xây dựng vị trí việc làm để chuẩn bị cho cải cách tiền lương cũng như quản lý, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng công vụ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đến thời điểm này đã hoàn thành xong danh mục vị trí việc làm. Đối với cơ quan, tổ chức hành chính có 866 vị trí; đơn vị sự nghiệp là 615 vị trí và cán bộ, công chức cấp xã 17 vị trí. Tổng số lượng chức danh, chức vụ lãnh đạo là 232 vị trí từ Trung ương đến cấp xã.
Từ năm 2016 đến nay, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc xây dựng vị trí việc làm, tuy nhiên, chưa hoàn thiện và chưa bảo đảm thật đầy đủ, khoa học, căn cơ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện để kịp thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, sẽ tổ chức một cuộc họp triển khai nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nhất quán công tác này.
Cùng với cải cách tiền lương, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tinh giản biên chế, sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả là rất cần thiết nhưng tinh giản mang tính chất cào bằng, cơ học đang ảnh hưởng đến ngành giáo dục, nhiều địa phương thiếu giáo viên, việc tuyển dụng khó khăn. Một số đại biểu cũng nêu vấn đề tiền lương và chính sách cho nhà giáo. Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, vừa qua, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực và có những thành công bước đầu trong việc sắp xếp, tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. Giai đoạn 2017-2021 đã giảm được 10,01% đối với công chức và 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều địa phương khi giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi, dẫn đến thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục.
Giải pháp để khắc phục vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, đối với viên chức, vừa giảm số lượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vừa phải bảo đảm số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp. Tức là thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa để giảm số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với địa phương, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp quy mô trường, lớp, nhất là những trường liên cấp, liên xã ở những nơi có số lượng học sinh không lớn, bảo đảm giảm đầu mối. Thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo nghị quyết của Trung ương, đó là lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp, dự kiến áp dụng phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật
Một số đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị định chậm ban hành, chất lượng chưa bảo đảm, vừa ban hành đã phải sửa đổi. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết là việc diễn ra đã lâu, đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Năm 2023, theo thống kê của Bộ Tư pháp, còn nợ 12 văn bản đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như chưa chủ động, cố gắng và chưa lường hết của các chủ thể trình văn bản. Nguyên nhân khách quan do nhu cầu số lượng văn bản quy định chi tiết khá nhiều. Bộ trưởng Lê Thành Long nhận trách nhiệm chung của Bộ Tư pháp về vấn đề này và đề xuất các bộ, ngành trong giai đoạn soạn thảo ngoài việc thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục, cần xác định rõ các nội dung sẽ quy định trong văn bản quy định chi tiết. Quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản, các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau...
Phát biểu làm rõ thêm về vấn đề này, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ cố gắng từng bước khắc phục trong thời gian tới. Về giải pháp cụ thể, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, trước hết là nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; công tác phối hợp tốt hơn, tránh trường hợp bộ, ngành này hỏi ý kiến bộ, ngành kia rồi mới chậm. Thực hiện tốt hơn việc đánh giá tác động và tăng cường năng lực, nguồn lực cho công tác pháp chế.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) bày tỏ đánh giá cao vai trò của ngành công an trong công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu giải pháp để tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng trong thời gian tới, bảo đảm tiêu chí không bỏ lọt tội phạm, không hàm oan người vô tội. Đồng thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả một lĩnh vực. Trả lời câu hỏi này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh tích cực. Bên cạnh đó, tập trung chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch ngay trong nội bộ lực lượng công an. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực được thì phải sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức và làm trong sạch nội bộ. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật, nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp, không gây khó khăn, nhũng nhiễu.
Về một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trước hết, cần tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, không để sơ hở, thiếu sót dẫn đến các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định để kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. Quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan...
Đổi mới giáo dục vẫn còn thách thức lớn
Trao đổi với ý kiến của đại biểu Quốc hội về những trăn trở, băn khoăn của đội ngũ giáo viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục, đào tạo, ghi nhận bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời, nhận thấy đây là thách thức rất lớn, kỳ vọng lớn của xã hội. Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư, đời sống và các điều kiện của nhà giáo để thực hiện đổi mới còn hạn chế, khó khăn. Đặc biệt là giáo viên trẻ mới vào nghề, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Bộ Nội vụ và lãnh đạo Chính phủ rất thấu hiểu vấn này và đang tìm cách để tháo gỡ, nâng cao đời sống cho giáo viên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bạo lực học đường với diễn biến phức tạp, bình quân khoảng 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ việc bạo lực học đường. Vì vậy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các ngành có liên quan hỗ trợ ngành giáo dục để giải quyết vấn đề này.
Hôm nay (8-11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Bố trí đủ kinh phí để khắc phục đường dân sinh bị hư hỏng do thi công đường cao tốc
Liên quan đến vấn đề khi thi công các tuyến đường cao tốc ảnh hưởng đến đường dân sinh và người dân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Về kinh phí không thiếu, hiện nay chúng tôi bố trí đủ kinh phí để khắc phục hay hoàn trả đường dân sinh và có chi phí đền bù cho người dân khi nhà cửa bị ảnh hưởng".
MẠNH HƯNG
Theo: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/tiep-tuc-chat-van-va-tra-loi-ch...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận