Tiếp sức nông dân, đối thoại đa chiều, tháo gỡ nhiều vấn đề nóng
Nông dân, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà khoa học rất kỳ vọng trên cơ sở các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của họ.
Vào 8h sáng nay (29/5), tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ 4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, địa phương và 500 đại biểu có mặt trực tiếp, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ Hội viên nông dân cả nước. Hội nghị còn kết nối trực tuyến tới điểm cầu tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Tiếp nối thành công sau 3 lần đối thoại trước, năm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam (lần thứ 4) với chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".
Trong 3 lần đối thoại trước, chỉ có nông dân đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, điểm mới của Hội nghị đối thoại lần này đó là đối thoại đa chiều. Cụ thể, cùng với nông dân tiêu biểu, xuất sắc, còn có các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về tam nông và các doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp tham gia đối thoại với người đứng đầu Chính phủ.
Được đại diện cho nông dân, Hợp tác xã ở địa phương tham dự Hội nghị đối thoại lần này, anh Tráng A Cao, dân tộc Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xúc động. Câu hỏi anh Tráng A Cao gửi đến Thủ tướng là hiện nay Sơn La nói riêng và Mộc Châu, Vân Hồ nói riêng hiện đang có sản lượng mận khoảng 40-50.000tấn. Tuy nhiên có lúc giá mận rất cao nhưng có thời điểm giá rất thấp, rất khó bán. Anh Tráng A Cao mong Thủ tướng quan tâm cho mở nhà máy sấy hoa quả chuyên về mận cho bà con nông dân Sơn La.
Năm nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn địa bàn Sơn La để tổ chức Hội nghị đối thoại, mang tính chất đại diện phần lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn khu vực miền núi phía Bắc. Bên cạnh đó, Sơn La còn là điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp. Từ một tỉnh trung bình trong khu vực, trong thời gian rất ngắn Sơn La đã trở thành tỉnh có nền sản xuất nông nghiệp phát triển rất mạnh, đặc biệt là trái cây.
Trước hội nghị đối thoại đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19; các vấn đề liên quan đến những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai; thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy vai trò của các hợp tác xã; khó khăn trong nguồn vốn sản xuất nông nghiệp; về chính sách dạy nghề, chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp...
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, trong đợt này có nhiều kiến nghị, thứ nhất đó là cách chính sách dạy nghề để chuyển đổi lao động từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Thứ hai là khi con em nông dân chuyển sang làm công nhân các khu đô thị thì có cơ chế chính sách, có nhà, được thuê nhà và mua nhà với những chính sách phù hợp.
Ông Lương Quốc Đoàn cũng có nhiều kiến nghị của nông dân với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ hơn phát triển kinh tế nông thôn, để con em nông dân khi trưởng thành có cơ hội phát triển kinh tế nông thôn, "ly nông, không ly hương". Điều này đã được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là thúc đẩy mạnh đô thị hoá ở nông thôn, để người dân nông thôn có mức thụ hưởng gần hơn so với khu đô thị. "Đây là những kiến nghị, tôi cho rằng rất phù hợp, rất đúng và rất trúng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong kỳ đối thoại lần này", ông Đoàn cho biết.
Sau khi nghe các ý kiến kiến nghị, đề xuất, trong buổi sáng nay, Thủ tướng Chính phủ đã giải đáp cho hội viên nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, các Hợp tác xã, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu chính sách những định hướng lớn, chiến lược xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Nông dân, các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, các nhà khoa học rất kỳ vọng trên cơ sở các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của họ; đồng thời gợi mở hướng đi mới cho chính các hội viên nông dân sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà khoa học của nhà nông trong thời gian tới./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận