Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công
Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%.
Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, các, sở, ngành, cơ quan, Ban quản lý các khu công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn.
Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận nhằm thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, với phương châm “đảm bảo tiến độ, chất lượng, song tăng cường giám sát, kiểm tra để chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công”.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định).
Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…
Bên cạnh đó, việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Đối với các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư những tháng đầu năm và chỉ triển khai thực hiện sau khi được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Năm 2021 là năm rất đặc biệt bởi chưa bao giờ nền kinh tế nước ta phải dồn tâm sức và nguồn lực cho công tác phòng, chống đại dịch như vậy và cũng chưa bao giờ nhiều tỉnh, thành, địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm nay..
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những nguyên nhân, những đề xuất, kiến nghị và phương án giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến hết năm 2021 đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận