Thủ tướng: Thúc đẩy “cỗ xe tam mã” để tăng trưởng cao nhất
Thủ tướng nhấn mạnh phải thúc đẩy “cỗ xe tam mã” đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng để đạt tăng trưởng cao nhất, lấy đà cho đất nước.
Sáng 2/7, Chính phủ tiến hành hội nghị trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng qua và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm nay. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với sự chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, đặc biệt được sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền và nhân dân Việt Nam đã sớm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, tạo tiền đề quan trọng để chúng ta chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh của đất nước, được thế giới đánh giá cao.
Thủ tướng cho rằng, đây là một thành công rất lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta. Vì vậy, nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Thủ tướng nêu yêu cầu tại hội nghị này đó là phương châm quyết liệt phục hồi tăng trưởng, tận dụng tốt cơ hội do kiểm soát sớm dịch bệnh, kiên quyết không để dịch Covid-19 quay lại nước ta nhưng đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng, đáp ứng nguyện vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
“Trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng và đang trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Đây là minh chứng rõ nét của định hướng đúng vào các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng củng cố niềm tin của doanh nghiệp, của nhân dân, của quốc tế vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tăng trưởng GDP quý II tăng khoảng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%; tuy tăng trưởng thấp nhưng trong bối cảnh quốc tế như vậy chúng ta cần bình tĩnh, chủ động trong nhận định đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không được bi quan. Bởi đất nước mỗi khi gặp khó khăn cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự đoàn kết chung sức đồng lòng của dân tộc ta tỏa sáng. Đó là thời điểm “lửa thử vàng gian nan thử sức”, càng khó khăn càng nỗ lực vượt khó vươn lên.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nêu vấn đề trong bối cảnh này nước ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới? Thủ tướng đề nghị tại hội nghị này các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề xuất, hiến kế những giải pháp rất cụ thể vừa không để dịch bệnh trở lại vừa phục hồi và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế xã hội.
Trong đó, phải thực hiện được hai mục tiêu kép đó là: Không để dịch Covid-19 quay trở lại, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân. Mục tiêu thứ hai, hết sức quan trọng cần tập trung, đó là phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng và đảm bảo đời sống của nhân dân.
“Tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả kịp thời. Trong khó khăn của thế giới và trong nước một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế xã hội. Tôi nói điều này để các đồng chí thấy việc ổn định vĩ mô là tư tưởng nhất quán của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ này và nhất là trong thời điểm khó khăn của thế giới hiện nay” – Thủ tướng khẳng định.
Tăng trưởng cao nhất để tạo đà
Thủ tướng cho rằng cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như "cỗ xe tam mã" gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Vì vậy, mục tiêu của hội nghị lần này phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy “cỗ xe tam mã” này để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, lấy đà cho đất nước, nhất là trong năm nay.
Thủ tướng cho rằng, hiện nay chúng ta còn khó khăn nhưng các ngành, các địa phương cần phải chú ý chính sách tài khóa để hỗ trợ cho phát triển. Vì vậy cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì việc làm, thu nhập của người dân.
Theo Thủ tướng, càng khó khăn, càng phải tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương có những đề xuất, kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần có cơ chế, chính sách mới nào để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng 0,36% so với cùng kỳ. Kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, thấp nhất 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng 0,66%, đưa chỉ số tiêu dùng bình quân 6 tháng qua tăng 4,19%; kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt hơn hơn 121 tỷ đô la Mỹ, giảm 1,1% so với cùng kỳ. Cũng trong nửa năm qua, cả nước có hơn 62 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 16,4% so với cùng kỳ .
Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế../.
Việt Cường/VOV1( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận