Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Chiều 9-1, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại hội nghị.
Cùng dự hội nghị còn có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Trước khi tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm, kiểm tra tại Ga Hà Nội.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện được giao quản lý hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt có tổng chiều dài 3.143km, 297 khu ga và tiếp nhận mới 6 khu ga (gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố). Hiện có 5 tuyến đường sắt chính, trong đó có 2 tuyến liên vận quốc tế kết nối với Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra cơ sở vật chất của Ga Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, năm 2023, doanh thu của tổng công ty đạt hơn 8.500 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng, đạt 115% kế hoạch. Thu nhập bình quân người lao động là 9,5 triệu đồng/người/tháng, đạt 105,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2023, ngành đường sắt đã vận chuyển 4,6 triệu tấn hàng hóa và 6,1 triệu lượt hành khách.
Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, các hoạt động du lịch trong nước phục hồi và phát triển trở lại, thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt có sự tăng trưởng cao; năng lực chạy tàu trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đã được cải thiện sau khi đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga.
Ngành đường sắt đã triển khai nhiều giải pháp nâng sản lượng, doanh thu vận tải như tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm; có nhiều chính sách thúc đẩy vận tải hàng hóa trong đó có liên vận quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi hành khách tại Ga Hà Nội. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Năm 2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu duy trì đà tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, hoàn thành nộp ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2023 ít nhất 5% trên cả 3 tiêu chí: Số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương.
Đối với công tác chuẩn bị cho đầu tư đường sắt tốc độ cao, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác để nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với các bộ, cơ quan về cơ cấu, mô hình tổ chức của Tổng công ty, phát triển công nghiệp đường sắt, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị, bổ sung tổng công ty vào danh mục doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông; các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TẠ HẢI
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những việc mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã làm được thời gian qua… Thủ tướng lưu ý Tổng công ty không được lơ là, chủ quan, không say sưa với thắng lợi vì đây mới chỉ là bước đầu.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn đưa động lực mới là sự phát triển đột phá của ngành đường sắt Việt Nam với hệ thống đường sắt tốc độ cao. Ngành đường sắt phải đặt trong sự vận động phát triển, “đi sau nhưng về trước”, tận dụng lợi thế của người đi sau để phát triển nhanh và bền vững hơn.
Quang cảnh Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: TẠ HẢI
Về nguồn lực, phải cố gắng hoàn thiện thể chế cho ngành đường sắt phù hợp sự phát triển đất nước, yêu cầu của phát triển mới, xu thế của thời đại, công nghệ hiện đại; thể chế đi liền với cơ chế, chính sách. Tăng cường hợp tác công tư để khai thác nguồn lực, học tập kinh nghiệm các nước; đoàn kết thống nhất, quyết tâm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành.
Thủ tướng yêu cầu cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo hướng phát triển nhanh và bền vững; chú trọng phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành, nhất là phát triển các ngành mới nổi như: Kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hạn chế ô nhiễm ngay từ trong nhà ga, trên tàu… Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, giảm tối đa thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp; hạn chế cơ chế xin-cho. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; phát huy tính tự lực, tự cường.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả sứ mệnh, vai trò nòng cốt trong quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Chú trọng xây dựng nền tảng phát triển công nghiệp đường sắt theo hướng hiện đại; khẩn trương triển khai hiệu quả chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt...
MẠNH HƯNG
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-du-hoi-n...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận