Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8
Sáng 6/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 và 8 tháng năm 2022.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phiên họp này có nội dung quan trọng là đánh giá tình hình tháng 8 và 8 tháng qua, từ đó có đánh giá, dự báo tình hình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Nêu “đúng, trúng”, đi thẳng vào vấn đề
Thủ tướng cho biết, tình hình 8 tháng qua có nhiều biến động như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; biến đổi khí hậu gay gắt; giá dầu, khí đốt tiếp tục biến động, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng; chính sách tiền tệ, phòng, chống dịch các nước tác động điều hành kinh tế vĩ mô trong nước; dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn; thị trường xuất khẩu thu hẹp lại do nhiều biến động (Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…).
Các vấn đề liên quan sản xuất, kinh doanh đều bị tác động và ảnh hưởng nên nhiệm vụ càng nặng nề hơn như: giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm; các dự án thua lỗ, kéo dài, các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn phải giải quyết; xuất hiện các dự án kéo dài, đội vốn, liên quan các dự án nhiệt điện lớn…, các dự án thép, đạm.
Liên quan các nhiệm vụ thường xuyên cũng nặng nề do quy mô nền kinh tế lớn hơn, dẫn đến điều hành vất vả hơn, yêu cầu của nhân dân càng ngày càng tăng; cạnh tranh giữa các nước ngày càng tác động, khó khăn hơn đối với Việt Nam, những biến động về tỷ giá… Các vấn đề này diễn ra rất nhanh chóng, khó lường, khó dự báo; các loại thị trường của Việt Nam đều bị tác động.
Thủ tướng nêu rõ, mặc dù gặp nhiều khó khăn như vậy song chúng ta đang kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng; bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; bảo đảm nhu cầu năng lượng; thị trường lao động phục hồi bảo đảm phục vụ sản xuất, kinh doanh. Chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên; tăng cường công tác đối ngoại…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ vấn đề tồn tại như đầu tư công, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ, một bộ phận nhân dân còn khó khăn, những vấn đề liên quan trật tự an toàn xã hội, an ninh phi truyền thống.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng yêu cầu phải dự báo sát tình hình để đưa ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp, khả thi. Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, kinh nghiệm để phát biểu ý kiến “đúng, trúng”, đi thẳng vào vấn đề, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học để thời gian tới làm tốt hơn.
Quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 8, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và xuất hiện thêm các yếu tố, động thái mới liên quan đến cạnh tranh địa chiến lược và xung đột Nga – Ukraine như việc G7 áp trần giá dầu của Nga cùng với những vấn đề an ninh phi truyền thống khác như thiên tai, dịch bệnh.
Ở trong nước, cùng với nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt rất nhiều nhiệm vụ theo các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, biến động nhanh trên thế giới, có giải pháp linh hoạt, phù hợp, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm; xử lý nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài.
Trong tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 văn bản quy phạm, 8 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng; đồng thời tập trung chuẩn bị kỹ hồ sơ tài liệu phục vụ kỳ họp Trung ương 6 khóa XIII, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.
Tình hình KTXH tháng 8 và 8 tháng đầu năm tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định. CPI tháng 8 tăng nhẹ 0,005% so với tháng trước, bình quân 8 tháng tăng 2,58% so với cùng kỳ; thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý; tín dụng tăng 9,77% so với cuối 2021; các cân đối lớn được bảo đảm thu đủ chi; xuất đủ nhập; cung - cầu lao động, an ninh năng lượng, lương thực được bảo đảm. Thu NSNN ước đạt 85,6% dự toán, tăng 19,4%.
Sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh. Chỉ số IIP tháng 8 tăng 2,9% so tháng trước, tăng 15,6% so cùng kỳ và 8 tháng tăng 9,4%; 61/63 tỉnh, thành có chỉ số công nghiệp 8 tháng tăng. Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 8 đạt 52,7 điểm, là tháng thứ 11 liên tiếp đạt trên 50 điểm. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng tháng 8 tăng 2,7% và 8 tháng tăng 2,4%.
Vốn đầu tư thực hiện từ NSNN 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so cùng kỳ. Một số công trình hạ tầng quan trọng, chiến lược được đưa vào khai thác, sử dụng như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Móng Cái, cầu Thủ Thiêm 2. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% và cao nhất từ 2018 đến nay.
Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD tăng 10,5%, cao nhất từ 2018 đến nay. Khởi sự doanh nghiệp tiếp tục nở rộ; số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động 8 tháng là gần 150 nghìn doanh nghiệp gấp 1,43 lần số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng là gần 3.64 triệu tỷ đồng, tăng 36,1% so cùng kỳ.
Các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, người lao động được triển khai tích cực, hiệu quả. Các hoạt động kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và Khai giảng năm học mới được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, an toàn, thiết thực. Đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ có thu nhập không đổi và tăng lên là 82,2%.
Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường, xử lý kịp thời, phù hợp các vấn đề phát sinh. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam: Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023; ADB, IMF giữ dự báo tăng trưởng ở mức 6,5% và 6% năm 2022 so với dự báo trước đó.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới. Trong nước, dịch bệnh cơ bản vẫn được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, đã ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn. Trong khi đó, công tác tiêm chủng tại nhiều địa phương chưa được chú trọng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận