Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá sát tình hình thực tế, đóng góp các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Sáng 29/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 đi qua được 1/3 quãng đường; hiện nay, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; tháng 4 có nhiều tác động bên ngoài như xung đột Nga - Ukraine; giá cả nguyên vật liệu đầu vào như xăng dầu, vận tải trên thế giới tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lao động ở một số nước; dịch bệnh Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp; những vấn đề liên quan kinh tế, đặc biệt là các thị trường lớn của Việt Nam; xuất khẩu gặp nhiều khó khăn vì các nền kinh tế lớn sụt giảm; một số vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp...
Trong nước đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng tiềm ẩn nguy cơ. Các cấp, các ngành đã triển khai chương trình phục hồi kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các quy hoạch, giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ; những vấn đề mới xuất hiện; thị trường vốn hết sức quan trọng đối với hoạt động phát triển hạ tầng, phòng, chống dịch, kinh tế chung và đặc biệt huy động nguồn lực để phục hồi kinh tế... Nhiều vấn đề liên quan thể chế, tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, chúng ta kịp thời có hội nghị về bảo đảm an toàn thị trường vốn với tinh thần chung là kiên quyết lành mạnh hoá thị trường này gồm thị trường tín dụng, thị trường trái phiếu... để bảo vệ những nhà đầu tư làm ăn minh bạch, chân chính, tuân thủ pháp luật; thực hiện mọi biện pháp phù hợp, cần thiết để ổn định thị trường, từng bước hiệu quả.
Tình hình kinh tế-xã hội nhìn chung có xu hướng phục hồi tích cực, đạt kết quả khởi sắc trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ trong bối cảnh chung khó khăn trên thế giới. Thúc đẩy các hoạt động đối ngoại tích cực, đều khắp, thể hiện các quan điểm của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, quốc tế, khu vực... đúng đường lối đối ngoại. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố và tăng cường. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắn về những hạn chế, yếu kém, nhất là do nguyên nhân chủ quan để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả cho thời gian tới. Dự báo tình hình còn nhiều khó khăn cả quốc tế và trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp
Đầu tháng 5 có đợt nghỉ lễ, dịp này vào năm 2021 nước ta bùng phát dịch bệnh. Mặc dù nước ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác bởi hiện nay đang mở cửa du lịch. Đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5, chuẩn bị khai mạc kỳ họp của Quốc hội và Chính phủ phải trình các dự án Luật, cũng như triển khai Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, SEA Games 31... Do đó Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá sát tình hình thực tế, đóng góp các nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư; nhiều lĩnh vực đạt mức tốt hơn cả những năm trước đại dịch.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước; các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thu NSNN ước đạt 45,7% dự toán, tăng 13,3%.
Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 2% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 7,5%. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,3% (cao hơn tốc độ tăng 5,8% và 9,6% của cùng kỳ năm 2018 và 2019, những năm chưa có dịch COVID-19). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 3,9% so cùng kỳ.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt kết quả tích cực; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản được khơi thông, mở rộng. Chăn nuôi trâu, bò phát triển ổn định. Chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục. Sản lượng thủy sản tháng 4 ước đạt 736,4 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Các đại biểu dự phiên họp
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 4 khá sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,1% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu 4 tháng tăng 16,4%, nhập khẩu tăng 15,7%, xuất siêu khoảng 2,5 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ; khách quốc tế tháng 4 gấp 5,2 lần cùng kỳ; 4 tháng tăng 184,7%.
Vốn thực hiện từ nguồn NSNN tháng 4 tăng 6,6% so cùng kỳ; 4 tháng đạt 109.600 tỷ đồng, bằng 20,6% kế hoạch, tăng 9,1% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 4 tháng đạt 5,92 tỷ USD (mức cao nhất từ năm 2018 đến nay), tăng 7,6%.
Hoạt động khởi sự doanh nghiệp nở rộ, số DN đăng ký thành lập mới tăng cao nhất từ trước tới nay với hơn 15.000 DN; trong 4 tháng số DN thành lập mới tăng 12,3%, DN trở lại hoạt động tăng 60,6%; tổng số vốn đăng ký bổ sung tăng 39,4% so cùng kỳ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số được đẩy mạnh; phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, thương mại điện tử…
Về an sinh xã hội, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, trong đó có các gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Các chính sách hỗ trợ người dân thiếu đói giáp hạt tiếp tục được thực hiện. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa nghệ thuật từng bước được phục hồi trở lại. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận