Thủ tướng: Phải rất thận trọng, cân nhắc việc tăng học phí
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp; phải rất thận trọng cân nhắc việc tăng học phí, vì phải đảm bảo cuộc sống của người dân đang khó khăn, đang phục hồi do dịch COVID-19.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp; phải rất thận trọng cân nhắc việc tăng học phí, vì phải đảm bảo cuộc sống của người dân đang khó khăn, đang phục hồi do dịch COVID-19; phải đánh giá đầy đủ tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ khẳng định, những kết quả đạt được cũng cho thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự phối hợp, ủng hộ của Quốc hội; sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản, đồng bộ, kịp thời, đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu ý kiến: "Tôi thấy một chỉ số rất đáng mừng là số doanh nghiệp của chúng ta thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng tới 25,8 %, kéo theo đó gia tăng số việc làm mới cho người lao động.
Việc làm mới trong thời gian vừa qua tạo ra bức tranh xã hội ổn định để tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội. Cho đến nay tỷ lệ thất nghiệp là 2,46 % so với năm ngoái 2,8%. Đây là bức tranh rất đáng mừng. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong ASEAN hay Mỹ đang rơi vào tình trạng: Một là CPI tăng, hai là tỷ lệ lao động thất nghiệp gia tăng".
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết: "Tại diễn đàn kinh tế thế giới vừa qua, du lịch Việt Nam được xếp hạng thứ 52/117 quốc gia và là một trong ba quốc gia nằm vào top có mức tăng trưởng về năng lực phát triển du lịch đứng đầu thế giới. Điều này đã khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng, kịp thời mở cửa du lịch vào 15/3. Chúng ta đã làm thận trọng, chắc chắn".
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 là rất đáng mừng, tạo niềm tin và nền tảng vững chắc để tiếp tục phục hồi nhanh, phát triển bền vững KT-XH.
Chỉ đạo các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng phạm Minh Chính yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để khơi thông các điểm nghẽn, tạo điều kiện phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bộ, các ngành, các địa phương cần xác định tập trung giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Việc này vừa giải quyết nút thắt, vừa giải quyết sự bức xúc của nhân dân, vừa góp phần vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết các yêu cầu cần thiết khác, nhất là phát triển hạ tầng. Đề nghị các bộ, các ngành có liên quan và chủ tịch UBND tỉnh phải tập trung tháo gỡ; rà soát chuyển đổi các kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ. Tức là phải có các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, xuất phát từ thực tiễn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm xuyên suốt và tham mưu đôn đốc sơ kết, tổng kết theo tổ công tác”.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu, tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022 an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Tổ chức hội nghị sơ kết tự chủ đại học và việc thực hiện các quy định pháp luật về tự chủ đại học để làm căn cứ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan. Xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp, đánh giá đầy đủ tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời, báo cáo trong tháng 6 năm 2022.
Toàn cảnh cuộc họp.
“Trong tình hình hiện nay nên tăng học phí chưa? Tôi đề nghị phải đánh giá lại tình hình thực tiễn và trên cơ sở đó điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền. Cuộc sống của người dân đang khó khăn, đang phục hồi, tăng học phí liệu có cần thiết không? Mặc dù đã có lộ trình nhưng thực tiễn đang đặt vấn đề mới thì chúng ta phải bám sát tình hình thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan để xử lý vấn đề này sao cho phù hợp với lợi ích của Nhà nước cũng như phù hợp với lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân, của học sinh" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về việc giảng dạy môn học lịch sử ở cấp THPT, Thủ tướng chỉ rõ: “Phải xác định truyền thống lịch sử, văn hóa lịch sử là một nguồn lực. Đầu tư cho việc này cũng là đầu tư cho sự phát triển. Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng các bộ, ngành có liên quan lắng nghe các ý kiến của người dân, của các nhà sử học, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là tổng kết thực tiễn để trên cơ sở đó tiếp thu ý kiến về điều chỉnh cho phù hợp".
Thủ tướng đề nghị nửa đầu tháng 6, tiếp tục có hội nghị để tham khảo ý kiến, đánh giá tác động, vừa phải đảm bảo theo Nghị quyết của Đảng, quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo được yêu cầu mong mỏi của nhân dân, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục về môn lịch sử. Có thể tính toán nghiên cứu theo hướng vừa có chương trình bắt buộc, vừa có chương trình tự chọn trong chương trình phổ thông trung học./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận