Thủ tướng: Ngành Y tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2021 vừa qua.
Sáng 20/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ kết hợp trực tuyến với trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, năm 2021, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021.
Hệ thống thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch COVID-19 để tăng tốc chuyển đổi số trong ngành y tế.
Toàn cảnh hội nghị
Bộ Y tế được xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công; thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động; Kịp thời điều động hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sỹ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời, xây dựng chiến lược và thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine, và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay.
Đưa Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.
Nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng COVID-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, đã có 4 vaccine được thử nghiệm lâm sàng, 2 vaccine chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ; Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra; đảm bảo khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu
Sau khi nghe các ý kiến của các bộ ngành trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế, phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2021 vừa qua. Dịch bệnh đã tạo ra thách thức lớn, song ngành Y tế đã thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất, truyền thống tốt đẹp, cao cả của mình.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ những thành quả đã đạt được và phân tích những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế và yêu cầu phải quyết liệt hành động ngay để khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt về quản lý nhà nước của ngành Y tế trong phòng chống dịch, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch.
Năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác làm cho dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơn.
Về nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu ngành tiếp tục kiên trì kiên quyết thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết, đồng thời chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng yêu cầu phải bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, toàn ngành phải tiếp tục thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ:
Thực hiện hiệu quả Kết luận 25 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung triển khai các chủ trương: Xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; Tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số.
Triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá. Tổng kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm hiệu quả; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi quy định về phòng, chống dịch phù hợp tình hình và mức độ bao phủ vaccine.
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vaccine cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; hoàn thành các mục tiêu được giao, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I.
Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vaccine, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp; Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0. Bảo đảm tất cả mọi người nhiễm COVID-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp. Sẵn sàng điều động lực lượng, hỗ trợ nhanh, kịp thời các địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức người dân tích cực, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Cùng với đó cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và khen thưởng, kỷ luật kịp thời; xử lý nghiêm các vi phạm, chú trọng phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; không để “con sâu làm rầu nồi canh”. Chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vaccine, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… và đặc biệt là cơ chế mua sắm.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch bệnh COVID-19. Chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế các tuyến.
Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài chính, cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị y tế; Huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác khác như quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thúc đẩy thực hiện dinh dưỡng hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, phát triển nhanh ngành dược, y dược cổ truyền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin truyền thông để “Làm được, nói được”. Phải theo dõi sát thông tin dư luận, nhất là những bức xúc của xã hội, xử lý hiệu quả, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông. Chủ động cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, ủng hộ các chủ trương, chính sách, điều hành của Chính phủ, của ngành.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự thân ái, đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) và Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương; Đổi mới và làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ. Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Càng trong khó khăn, phức tạp, càng phải phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể, giữ vững nguyên tắc, tham khảo ý kiến và chịu trách nhiệm về quyết định của mình nếu thấy có lợi cho quốc gia, dân tộc.
Ngành Y tế xây dựng đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, người lao động thật sự bản lĩnh, vững về chính trị, tinh thông về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, hiệu quả trong công tác; tăng cường giáo dục cán bộ y tế về tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; chăm lo tốt hơn nữa đời sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh, vừa qua, đội ngũ cán bộ y tế, cả người làm công tác quản lý và nhất là các y bác sĩ, thầy thuốc, người lao động của ngành trong cuộc chiến chống dịch chịu nhiều áp lực. Ngành y tế phải quan tâm hơn nữa, có các biện pháp hỗ trợ, tư vấn cả về tâm lý và có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời.
Ngay sau hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân 2022./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận