Thủ tướng mong hàng Việt không ‘trước tốt, sau kém’
Chiều nay, 20/12, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt gần 100 doanh nghiệp có sản phẩm đạt "Thương hiệu quốc gia" năm 2018, Thủ tướng cho rằng thị trường có sự sàng lọc và nên xem đó là sự khích lệ, động viên, là một ví dụ về tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy, đừng để vàng thau lẫn lộn, đừng để người ta trách lúc đầu thì tốt mà sau lại kém.
- Thương hiệu Việt Nam với bước nhảy nhanh vào bản đồ ô tô thế giới
- Thủ tướng: Phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam
Cuộc gặp diễn ra trước thềm lễ công bố các sản phẩm Thương hiệu quốc gia 2018 được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội vào tối nay. Đây là đợt lựa chọn, công bố lần thứ 6 kể từ khi triển khai chương trình vào năm 2008. Năm nay, có 97 doanh nghiệp có sản phẩm đạt danh hiệu này.
Tại cuộc gặp mặt, các doanh nghiệp đều khẳng định quyết tâm giữ gìn thương hiệu, đưa các sản phẩm “Made in Việt Nam” vươn xa và mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bày tỏ vui mừng gặp gỡ các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Chúng ta khẳng định rằng sức khỏe của doanh nghiệp chính là sức mạnh của nền kinh tế. Và thương hiệu chính là nhiệt kế, là thước đo quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của doanh nghiệp”.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh yêu cầu của người tiêu dùng, của thị trường ngày càng cao, nhất là trong thời đại có nhiều thông tin, đối với chất lượng, số lượng và phương thức thanh toán, phân phối thuận lợi, tiện dụng, giá thành hợp lý nhất, việc doanh nghiệp nên có thương hiệu quốc gia không phải dễ dàng.
Chỉ có thị trường, người dân và xã hội mới có khả năng đánh giá đúng, quyết định sự sinh tồn và phát triển của một thương hiệu. “Cho nên những chương trình như chủ đề chúng ta gặp gỡ hôm nay, tôi cho rằng là cần thiết nhưng chỉ là sự tham khảo có tính tương đối. Tôi tin tưởng rằng có nhiều thương hiệu xuất sắc, có tiềm năng rất lớn trên thị trường nhưng chưa được chương trình này biết đến, chưa được ghi nhận xứng đáng”.
Thủ tướng cho rằng thị trường có sự sàng lọc và nên xem đó là sự khích lệ, động viên, là một ví dụ về tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Vì vậy, đừng để vàng thau lẫn lộn, đừng để người ta trách lúc đầu thì tốt mà sau lại kém. Phải khắc phục cái nhược điểm này trong một số sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam.
Cho biết nhiều ý kiến trách người Việt Nam sính hàng ngoại nhưng Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam phải tự hỏi đã làm tốt chưa. Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người tiêu dùng đặt ra, là một trong lý do khiến người tiêu dùng mua hàng ngoại.
“Thương hiệu quốc gia với chất lượng tốt, giá thành hợp lý, phương thức thanh toán thuận lợi, mẫu mã bao bì đẹp, chuỗi cung ứng tốt… là điều mà Chính phủ mong muốn doanh nghiệp phát huy", Thủ tướng nói và mong các doanh nhân thấu hiểu tinh thần này để trường tồn với thời gian bởi "đường dài mới biết ngựa hay”.
Thủ tướng cũng cho rằng, đã là thương hiệu quốc gia tức là đại diện cho hình ảnh Việt Nam, thì những sản phẩm này phải được thị trường quốc tế công nhận. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta khó hội nhập thành công. Làm sao có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu, như vậy mới xứng đáng được gọi là thương hiệu quốc gia.
“Các bạn ngồi đây là doanh nghiệp yêu nước và có tinh thần dân tộc thì mới dày công xây dựng thương hiệu quốc gia. Đó chính là sức mạnh để tạo nên những thương hiệu có giá trị và khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế”, Thủ tướng nói.
Cho rằng doanh nghiệp tự hỏi mình đã làm gì để phục vụ người tiêu dùng để có sản lượng lớn hơn, trường tồn với thời gian, ngày càng được người tiêu dùng ưa dùng, Thủ tướng mong các doanh nhân mang câu hỏi đó về nhà máy, xí nghiệp của mình và trả lời với khách hàng của mình, với thị trường và trên hết là đất nước. "Chúng ta giữ gìn, tôn vinh thương hiệu quốc gia tức là tôn vinh đất nước", Thủ tướng nói.
Đức Tuân ( Nguồn chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận