Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên
Sáng 23/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên về công tác xây dựng Đảng, tình hình phát triển kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Giao thông Vận tải, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sĩ; cùng lãnh đạo một số cơ quan liên quan.
Theo báo cáo năm 2021 tỉnh Hưng Yên đã hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển KTXH, trong đó đạt và vượt nhiều chỉ tiêu. GRDP tăng 6,52%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8%; xuất khẩu đạt 5,167 tỷ USD, tăng 23,8%; tổng mức bản lẻ, dịch vụ tăng 7,06%; GRDP bình quân đầu người năm đạt 87,7 triệu đồng/năm. Thu ngân sách đạt 17.300 tỷ đông, tăng 4% so năm 2020.
Hưng Yên thu hút được 69 dự án mới với số vốn đăng ký đạt 2,945 tỷ USD, tập trung vào các dự án lớn. Số doanh nghiệp thành lập mới là 1.220 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 22.092 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, an toàn, an dân được giữ vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên.
Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành một số nội dung liên quan đến việc phân cấp, ủy quyền bổ sung quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất; lựa chọn, thay thế nhà đầu tư cho dự án trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đề điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương.
Sau khi nghe các ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Hưng Yên và kết quả tích cực phát triển KT-XH trong năm 2021, tăng trưởng ấn tượng, các lĩnh vực phát triển theo chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Phải tích cực đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại.
Đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: Xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp hỗ trợ; Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng KTXH, thương mại - dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, hạ tầng giao thông; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội.
Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hưng Yên cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết, nỗ lực với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để Hưng Yên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Thủ tướng cũng chỉ rõ một số nhiệm vụ cụ thể: Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo, kết luận của Trung ương, lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19. Thực hiện nghiêm phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19 để có biện pháp linh hoạt đối với tình huống cụ thể trong phòng, chống dịch gắn với từng bước mở cửa lại nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện nghiêm 5K; không chủ quan, tổ chức tốt kế hoạch tiêm vaccine.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH. Phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Tỉnh, hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào kết quả chung của đất nước, trong đó có đóng góp cho ngân sách trung ương.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp mới; cần có giải pháp tham sâu hệ thống sản xuất quốc gia, quốc tế. Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút vốn FDI, thúc đẩy liên kết, tạo động lực cho phát triển công nghiệp. Huy động mọi nguồn lực cho phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng giá trị kinh tế cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Có chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phát triển mạnh ngành dịch vụ. Phải làm nổi bật bản sắc văn hóa, các lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh, lễ hội, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng các dự án du lịch quy mô lớn, chất lượng cao. Phát triển đô thị gắn với phát triển dịch vụ, tạo động lực phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của người dân, hình thành xã hội văn minh
Đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, tạo vườn ươm, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn, nhất là trong các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, triển khai thực hiện tốt các nội dung tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Kế thừa truyền thống vùng đất văn hiến, thời nào cũng góp hiền tài cho đất nước, tỉnh Hưng Yên phải phấn đấu lĩnh vực giáo dục, đào tạo và phát triển con người có thứ hạng cao. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, di tích lịch sử, hệ thống đền chùa, các làng nghề truyền thống.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; tăng cường dịch vụ công trực tuyến. Quyết tâm khắc phục những hạn chế, tồn tại để nhanh chóng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chú trọng xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị. Tăng cường đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận