Thủ tướng làm việc với Hà Nội về phòng chống Covid-19, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Sáng nay (19/7), Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19; tình hình phát triển -kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.
Cùng dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Báo cáo với Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Chu Ngọc Anh cho biết, đợt dịch thứ 4 này, Hà Nội đã ghi nhận 681 ca mắc COVID-19 tại 24 quận, huyện của thành phố. Trong đó, từ ngày 5/7 đến nay đã ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện 6 chùm ca bệnh có số ca mắc nhiều.
Dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức cao và khó lường, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn. Thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, trong đó kể từ 0h ngày 19/7, thành phố Hà Nội áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn địa bàn.
Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, 6 tháng đầu năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song tốc độ tăng trưởng của Hà Nội vẫn đạt 5.91%, cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm 2020 là 2,92%; đặc biệt, duy trì không đứt gẫy chuỗi sản xuất, kinh doanh. Căn cứ tình hình hiện tại và phân tích những thuận lợi, khó khăn, thành phố Hà Nội xây dựng 2 kịch bản phát triển kinh tế năm 2021 là 7,5% và 6,5-7%.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành 9 nội dung: định hướng phát triển Thủ đô; việc tăng tỷ lệ điều tiết các khoản thu, phân chia ngân sách Trung ương và thành phố Hà Nội và định mức phân bổ chi ngân sách Nhà nước cho Thành phố; hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án trọng điểm; đầu tư xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5-vùng Thủ đô, các tuyến đường sắt đô thị; về công tác quy hoạch; việc lựa chọn nhà đầu tư làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị có nhà ở; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và Thành Cổ Loa./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận