Thủ tướng chỉ đạo giảm giá thịt lợn, điện, nước
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để giảm giá thịt lợn về khoảng 60.000 đồng/kg, giảm giá điện, nước...
Sáng nay (21/4), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì họp Ban chỉ đạo.
Kiên quyết chống đầu cơ trái phép, phá thị trường
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh có nhiều biến động thì cần quản lý nhà nước tốt hơn về giá cả theo quy định của pháp luật. Theo đó, việc đảm bảo chỉ số giá tiêu dùng mà Quốc hội giao hàng năm để tăng trưởng tốt nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của nhân dân, nhất là những người khó khăn
Thủ tướng chỉ đạo phải kiên quyết chống đầu cơ nâng giá trái phép, phá thị trường, làm giàu bất chính. Trong những ngày chống Covid-19 cho thấy, nếu không có giải pháp cần thiết, chắc chắn giá một số mặt hàng sẽ tăng vọt.
"Còn nếu chúng ta buông lỏng sẽ là một sai lầm. Do đó phải có ban chỉ đạo điều hành giá, hội đồng tư vấn để đưa ra các quan điểm điều hành, chứ không phải để thị trường tự do không kiểm soát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Qua thảo luận Thủ tướng cho rằng, chúng ta hoàn toàn kiểm soát được mục tiêu lạm phát năm nay với khả năng và biện pháp điều hành. Khẳng định như vậy để toàn dân yên tâm. Theo Thủ tướng, kiểm soát tốt dịch bệnh, giá cả và các cấp cách ngành phải đóng góp thực hiện mục tiêu này. Do đó, quan điểm điều hành giá quý 2 và đến hết năm 2020, không đặt vấn đề vượt con số 4%. Cho nên tất cả các ngành, cấp, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về bình ổn giá cả thị trường theo các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để giảm giá thịt lợn về khoảng 60.000 đồng/kg. Bình ổn giá gạo, giá xăng dầu. Tiếp tục giảm giá điện, giá nước, giảm giá dịch vụ vận tải, viễn thông. Bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, góp phần giảm bớt khó khăn cho sản xuất, đời sống của người dân khó khăn do Covid-19.
Tiếp tục nghiên cứu kỹ, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền về tác động của tăng lương cơ bản; xem xét giá dịch vụ y tế, giáo dục; xem xét, đánh giá, phân tích tác động của các gói hỗ trợ và đầu tư xây dựng cơ bản gắn với việc kiểm soát lạm phát và tình hình khó khăn trong dịch bệnh hiện nay.
Xử lý tình trạng đăng ký xuất khẩu gạo trên giấy
Đối với mặt hàng gạo, trên tình thần ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực trọng nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, đảm bảo xuất khẩu gạo có kiểm soát, đảm bảo an ninh lương thực, chấn chỉnh các hành động lệch lạc vừa qua và xử lý nghiêm sai phạm, mua đủ dự trữ và đảm bảo quyền lợi cho người nông dân sản xuất lúa, nhất là người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
"Năm nay chúng ta thu mua lúa cho bà con là 5.700-5.800 đồng/kg, giúp lãi từ 40-50% cho người nông dân. Một số ý kiến đề xuất cho tự do lưu thông lúa gạo, nhưng hiện Campuchia cấm xuất khẩu gạo, Thái Lan mất mùa nghiêm trọng, Ấn Độ dịch bệnh thiệt hại nặng nề, nên nhiều nước mua gạo rất lớn. Nếu chúng ta không tăng cường quản lý thì nói theo dân gian là chúng ta “treo niêu có ngày”. Để bất ổn thì trách nhiệm quản lý là rất lớn" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý trong xuất khẩu gạo phải có kiểm soát, bởi thực tế đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo nhưng tại cửa khẩu chỉ có vài chục nghìn tấn, còn đăng ký trên giấy để giữ quyền xuất. Đây là vấn đề tiêu cực phải được xử lý nghiêm.
Đối với điều hành giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ khẩn trương rà soát, hoàn thiện, trình ban hành dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương rút kinh nghiệm bởi nhiệm vụ này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước, đến nay gần 5 năm nhưng chưa hoàn thành. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát giá thị trường, kết hợp các công cụ khác để không tăng giá đột biến.
Về giá một số mặt hàng khác như điện, nước, sách giáo khoa, giá vận tải, vật liệu xây dựng... Thủ tướng giao Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện nghiêm giảm giá điện 10%; yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc giảm giá nước sạch theo thẩm quyền; các Bộ Y tế, Giáo dục & Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Công thương và các cơ quan liên quan có biện pháp giảm giá vật tư thiết bị y tế, sách giáo khoa, dịch vụ vận tải, các vật liệu thiết yếu... Riêng đối với sách giáo khoa phải kiểm soát chặt chẽ, không được nâng giá mà không có kiểm soát.
Với việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu từ tháng 1/7 tới, theo lộ trình thì giá các loại dịch vụ y tế (1/7/2020), giáo dục (1/9/2020) cũng điều chỉnh tăng theo lương cơ sở, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu và đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động của việc này, xem xét lại thời điểm tăng, kể cả phương án không tăng hay tăng thấp hơn. Tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá vào thời điểm thích hợp, có thể cuối năm nay hoặc đầu năm tới, tùy diễn biến thực tế.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ vơi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và tạo sức bật cho nền kinh tế./.