Thống nhất trình Quốc hội cho TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù thêm 1 năm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến hết 31/12/2023.
Nội dung này vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và thống nhất trong phiên làm việc sáng nay 12/10.
Kết quả đạt được còn hạn chế
Theo quy định tại Nghị quyết số 54, TP.HCM được thí điểm thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (9 nội dung) và về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý (2 nội dung).
Cụ thể như kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng cao (trừ giai đoạn dịch bệnh); vượt qua đỉnh dịch, kinh tế phục hồi nhanh. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Chính sách đặc thù về quản lý đất đai giúp HĐND thành phố quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha.
Hay thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo hiệu quả công việc năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện
Thành phố cho rằng, chính sách về quản lý đất đai sẽ “góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút nhà đầu tư vào thành phố”, tuy nhiên, qua kết quả thực hiện cho thấy không đạt kết quả như mục tiêu dự kiến, chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù Nghị quyết 54 đã cho phép thành phố được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, thông thoáng nhằm tăng cường nguồn lực cho Thành phố, nhưng qua gần 5 năm thực hiện, nhiều chính sách vẫn chưa được triển khai hoặc triển khai chưa thực sự hiệu quả.
“Phải đánh trúng điểm nghẽn”
Ủy ban Tài chính – Ngân sách khẳng định việc báo cáo tổng kết có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với TP.HCM mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, nội dung tổng kết cần sâu sắc, toàn diện hơn. Đó là việc thực hiện thí điểm nghị quyết có được coi là thành công hay không? Sức lan tỏa đến đâu? Hiệu quả mang lại trên các mặt: kinh tế, xã hội, đối với đời sống người dân... thế nào?
“Báo cáo cần làm rõ, qua thực hiện 5 năm cho thấy, các chính sách có phù hợp với đặc thù của TP.HCM hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho thành phố này” – bà Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh cần nhận diện thẳng thắn những khó khăn, hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan.
Thảo luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với đánh giá cho rằng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động nặng nề của dịch Covid-19 nên các chính sách triển khai chậm, hiệu quả đạt được chưa cao và chưa thực sự tạo cú hích phát triển như kỳ vọng.
Cho rằng trong khi Chính phủ chưa đề xuất các cơ chế, chính sách mới thì việc đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 là phù hợp để TP.HCM khai thác các chính sách cần thiết để phát triển, song ông Vũ Hồng Thanh đề nghị TP.HCM phải quyết tâm nghiên cứu đưa ra chính sách gì mới đột phá hơn cũng như điều chỉnh, dừng chính sách nào không còn phù hợp.
Dẫn báo cáo đánh giá hạn chế, bất cập khi thực hiện chính sách đất đai, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ vướng ở đâu, thẩm quyền hanh quy trình thủ tục để các bộ ngành hỗ trợ “đánh trúng điểm nghẽn” để TP.HCM khai thác tốt nguồn lực để phát triển.
Nghị quyết của Quốc hội cho phép TP.HCM hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tuy nhiên, thực tế lại vướng thẩm quyền phê duyệt phương án. Băn khoăn về điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề việc nghiên cứu và chuẩn bị cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội và đánh giá khả năng áp dụng chính sách trên thực tiễn.
Lưu ý mục đích thí điểm là để thấy chính sách nào phù hợp thì luật hoá chứ không phải thí điểm mãi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để vấn đề nào chính thì đưa luôn vào luật, đơn cử như Luật Đất đai (sửa đổi).
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nghị quyết của Quốc hội về thí điểm là rất cần thiết và quá trình thực hiện chứng minh nhiều cơ chế, chính sách phát huy công năng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố lớn.
“Mục tiêu không phải đặc thù để đặc thù, mà để thấy cơ chế, chính sách nào tốt thì nhân rộng ra” – ông Vương Đình Huệ dẫn chứng một số cơ chế, chính sách áp dụng hiệu quả ở TP.HCM đã được Quốc hội cho phép thực hiện với một số địa phương khác.
Báo cáo tại phiên họp, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ “có những việc thành phố muốn làm lắm nhưng cân nhắc vì mới, vì khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó hơi không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều”.
Cho rằng có những việc Nghị quyết đã cho nhưng thực hiện không phải đơn giản, ông Võ Văn Hoan dẫn chứng vấn đề thu hồi đất lúa trên 10ha và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ thì lại vướng thủ tục, các quy định của Luật Đầu tư. Đó là cái khó dẫn đến chậm triển khai. Hoặc cổ phần hoá khi có phương án phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất nên không làm được... Hay tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn thành phố “các anh chị cũng chưa sắp xếp nên không có cơ hội để thành phố triển khai”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, hiện thành phố đã chuẩn bị dự thảo Nghị quyết mới báo cáo Chính phủ trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ nhà nước.
“Thực ra TP.HCM cũng cố gắng làm, làm tốt để có nhiều kinh nghiệm góp ý cho quy định pháp luật của cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho thành phố phát triển, có nhiều nguồn thu hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước” – ông Hoan nói.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV (khai mạc vào tháng 10 tới)./
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận