Sự khởi đầu cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam
Cách đây 95 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Sự ra đời của Đảng không chỉ đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử mà còn là mốc son chói lọi trong pho sử vàng của dân tộc Việt Nam; mang tầm vóc và giá trị thời đại sâu sắc!
Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn lịch sử
Lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh rằng, yêu nước và giữ nước, kiên quyết chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Nối tiếp truyền thống đó, từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858), không cam chịu làm thân phận nô lệ, nhân dân ta đã liên tiếp vùng lên đấu tranh qua các phong trào yêu nước diễn ra liên tục và mạnh mẽ bằng nhiều con đường với nhiều khuynh hướng khác nhau. Từ con đường cứu nước của các sĩ phu cho đến các cuộc khởi nghĩa nông dân và con đường cách mạng tư sản... mặc dù đã đấu tranh rất kiên cường, đầy tâm huyết và chịu những hy sinh to lớn, song, do hạn chế lịch sử, nhất là thiếu một đường lối đúng, các phong trào đó đã không thành công. Lịch sử đòi hỏi phải tìm con đường mới.
Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước. Mang trong mình khát vọng lớn lao, cháy bỏng, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng này con đường cứu nước đúng đắn - Con đường cách mạng vô sản. Sau nhiều năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, Người đã kiên trì nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo và từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, dày công chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho việc thành lập một chính đảng cách mạng chân chính.
Ở trong nước, dựa trên các điều kiện đã chín muồi, từ tháng 6-1929 đến cuối tháng 12-1929, trên dải đất Việt Nam ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã nối tiếp nhau ra đời. Sự xuất hiện của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam là bước tiến nhảy vọt về chất của phong trào công nhân và phong yêu nước Việt Nam, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của lịch sử cách mạng Việt Nam lúc đó.
Sau khi ra đời, cả ba tổ chức đều tự nhận là đảng chân chính và đều ra sức lôi kéo quần chúng, tranh thủ sự ủng hộ của Quốc tế Cộng sản. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, vận động quần chúng, các tổ chức cộng sản không tránh khỏi sự tranh giành ảnh hưởng, công kích lẫn nhau. Trước tình hình đó, ngày 27-9-1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi cho những người cộng sản Đông Dương một bức thư, yêu cầu các tổ chức cộng sản phải chấm dứt sự chia rẽ, công kích lẫn nhau, đồng thời xúc tiến việc hợp nhất thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Đông Dương.
Thực hiện Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đại diện sang Hương Cảng tiếp xúc và bàn việc hợp nhất với An Nam Cộng sản Đảng. Trong các cuộc gặp gỡ, mỗi bên đã đưa ra những yêu cầu mà bên kia không thể chấp nhận được. Vì thế, kế hoạch hợp nhất do hai Đảng chủ động đề ra không đạt được kết quả. Đúng vào thời khắc khó khăn phức tạp ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện “như một vị cứu tinh” của phong trào cách mạng và phong trào cộng sản Việt Nam. Ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc đã rời Xiêm đi sang Hồng Kông, Trung Quốc để chuẩn bị triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam.
Mốc son chói lọi
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, chu đáo về mọi mặt, từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại bán đảo Cửu Long, Hương Cảng nay thuộc Hồng Kông, Trung Quốc. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, thông qua Chánh cương vắt tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh và Điều lệ đầu tiên của Đảng. Đến ngày 24-2-1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp thuận kết nạp tổ chức này vào Đảng. Việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đến đây hoàn thành.
Về thời gian tiến hành Hội nghị thành lập Đảng, bản Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930 của Nguyễn Ái Quốc, cho biết: “Tôi cố gắng đi lần thứ ba khi một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên cách mạng bị tan rã; những người cộng sản chia thành nhiều phái... Lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23-12. Sau đó, tôi triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam). Chúng tôi họp vào ngày mồng 6-1... các đại biểu trở về An Nam ngày 8-2”[1].Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9-1960, Quyết nghị: “Từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”[2].
Về lý do đặt tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hội nghị hợp nhất, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là một vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập Đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền Trung của nước Việt Nam mà thôi, và nước ta có ba miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó từ Việt Nam hợp với cả ba miền và không trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin về vấn đề dân tộc”[3]. Theo đồng chí Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu) - đại diện An Nam Cộng sản Đảng tham gia Hội nghị hợp nhất, vấn đề đặt tên Đảng diễn ra hết sức phức tạp. Các đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng đề nghị giữ lại cái tên Đông Dương Cộng sản Đảng. Các đại biểu An Nam không đồng ý, cho rằng đó là cái tên của một nhóm cộng sản cũ không nên dùng lại… Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc phân tích: “Đông Dương là cái tên chỉ những nước ở trên bán đảo giữa Ấn Độ và Trung Quốc, như thế gồm có Miến Điện, Xiêm La, Mã Lai, Miên, Lào và ba kỳ của nước chúng ta; cho nên thường người ta muốn chỉ Miên, Lào và nước chúng ta thì dùng cái tên “Đông Dương thuộc Pháp”; nhưng không ai dại gì mà dùng cái tên “Đảng Cộng sản Đông Dương thuộc Pháp”.
An Nam là cái tên người Trung Quốc vẫn quen dùng từ lâu để gọi nước ta; nhưng hiện tại, đối với người Pháp và thế giới, trên bản đồ, An Nam chỉ là Trung Kỳ.
Rốt lại, chỉ có cái tên Việt Nam là đúng hơn hết và thích hợp nhất. Đối với người Trung Quốc, cái tên Việt Nam cũng quen chẳng kém gì cái tên An Nam; đối với thế giới thì rồi dần dần người ta cũng quen. Nước ta đang bị bọn đế quốc chiếm cứ, nhân dân ta phải có nhiều hành động quật khởi thì rồi người ta mới biết tên biết tuổi được. Cái tên Đảng Cộng sản Việt Nam không còn lẫn vào đâu được, mọi người sẽ không nghĩ đến một tổ chức cũ nào cả”[4].
Tầm vóc và ý nghĩa lớn lao
Thực tiễn lịch sử cho thấy, sau hơn một tháng họp không liên tục, trong điều kiện hết sức khó khăn, bảo đảm bí mật, Hội nghị hợp nhất lại không phải là một địa điểm ở trong nước, phải tránh sự theo dõi, khủng bố của kẻ thù, nhưng Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã thành công tốt đẹp[5]. Thành công này có ý nghĩa, giá trị tầm vóc như một “Đại hội thành lập Đảng”; đặt nền tảng thống nhất về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức của các lực lượng cách mạng; mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời, thành công của Hội nghị hợp nhất còn là thắng lợi của ý thức giác ngộ vì lợi ích căn bản và lâu dài của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Thành quả lớn nhất của hội nghị là đã quy tụ toàn bộ phong trào công nhân và phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó cũng là cái mốc đầu tiên xây dựng truyền thống đoàn kết nhất trí trong Đảng. Đây chính là nguồn gốc sức mạnh mới, là tiền đề cho những cao trào mới của cách mạng Việt Nam sau này. Đúng như cố Giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời bằng một hành động thống nhất, đại đoàn kết. Thống nhất lực lượng, đoàn kết đấu tranh là biểu tượng và cũng là bản chất của Đảng”[6].
Thắng lợi của Hội nghị hợp nhất đã thể hiện rõ vị trí, vai trò Nguyễn Ái Quốc[7]. Bởi trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, mặc dù Quốc tế Cộng sản đã có sự chỉ đạo việc thành lập Đảng Cộng sản ở Đông Dương, do giao thông liên lạc khó khăn, Nguyễn Ái Quốc không nhận được chỉ thị, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, luận điểm: Cách mệnh trước hết phải có Đảng cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc nêu ra trước đây đã thành hiện thực. Đây là một thành công sáng tạo của Người trong việc sáng lập Đảng Cộng sản ở một nước vốn là thuộc địa. Trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản Đông Dương công bố năm 1933, tác giả Hồng Thế Công (Hà Huy Tập) đã trân trọng đánh giá cống liến to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Đông Dương được thể hiện trong sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: “… công lao to lớn của đồng chí là đã tập hợp được các lực lượng cộng sản phân tán lại thành một khối, nhờ đó mà đã đưa lại cho những người lao động Đông Dương một đội tiền phong chiến đấu và kiên quyết cách mạng”[8].
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ XX. Đảng ra đời là mốc son chói lọi đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng”[9]. Đồng thời, chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam trong mấy chục năm trước đó và là khâu chuẩn bị quan trọng đầu tiên cho một bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự ra đời của Đảng còn đưa cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới.
Đến nay, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nêu ra giả thuyết rằng: “Nếu không có sự sáng tạo, chủ động, nhạy bén của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; nếu không có Hội nghị thành lập Đảng hoặc giả sử như Hội nghị đó diễn ra muộn hơn thì lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam sẽ như thế nào?”. Thiết nghĩ, lịch sử 95 Đảng Cộng sản Việt Nam là câu trả lời rõ nét nhất. Bởi ra đời từ sự sáng tạo, chủ động, kịp thời của những người cộng sản Việt Nam đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quy tụ, tập hợp mọi lực lượng vì mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng: Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945) (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu (7-5-1954); thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975); tiếp đó là thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhân dân Việt Nam đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng là tiền đề cần và đủ để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, Tập 2, tr.19 - 20.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, Tập 21, tr.904.
[3] Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiểu sử và sự nghiệp, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, In lần thứ 5, tr.68.
[4] Nguyễn Nghĩa, Góp thêm một ít tài liệu về công cuộc hợp nhất các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam và vai trò của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 59 (1964), tr.7.
[5] Sau Hội nghị, các tổ chức cộng sản trong nước lần lượt thống nhất thành tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4-1930, một số chi bộ Đảng Cộng sản được thành lập ở Viêng Chăn, Thà Khẹc (Lào); ở Trường trung học Xixôvác, Phnôm Pênh và ở Công Pông Chàm (Campuchia).
[6] Trần Văn Giàu, Tổng tập, Nxb QĐND, Hà Nội, 2008, tr.845.
[7] Tháng 4-1930, Nguyễn Ái Quốc thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam đi dự Hội nghị Liên đoàn cộng sản Nam Dương.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 1999, tr.409.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập12, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.406.
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/su-khoi-dau-cho-moi-thang-loi-c...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận