Sáng nay, Quốc hội thảo luận dự án Luật Nhà giáo
Theo chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng nay (20-11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Theo tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó có Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kết luận 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo cũng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, đồng thời có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển nhà giáo. Hiện nay đã có ít nhất 6 luật trực tiếp quy định các chế tài quản lý nhà giáo, gồm Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học nhưng các nội dung quản lý nhà giáo vẫn chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.
Bằng việc ban hành Luật Nhà giáo, một số bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay sẽ được tháo gỡ. Chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ có sự đồng bộ trong toàn hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất. Bên cạnh đó, một số chính sách đặc thù, có tính chất đột phá sẽ được tính toán nhằm tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo phát triển.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời cho ý kiến rất chi tiết về nhiều vấn đề.
Về tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với quy định trong dự thảo luật và cho rằng đây là nội dung quan trọng, cần thiết; tán thành các chính sách ưu tiên, hỗ trợ, thu hút nhà giáo như quy định tại dự thảo luật.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng về cải cách chính sách tiền lương; cân nhắc việc quy định chính sách tiền lương đối với nhà giáo ở khu vực ngoài công lập; không quy định lại chính sách thuê nhà công vụ đã được quy định trong Luật Nhà ở; đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm khả thi, nhất là về nguồn lực thực hiện đối với chính sách bảo đảm chỗ ở tập thể cho nhà giáo khi đến công tác tại vùng nông thôn.
Về chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn (không quá 5 tuổi) so với quy định của Bộ luật Lao động và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động kỹ về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này.
Trước đó, ngày 9-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo.
CHIẾN THẮNG
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/sang-nay-quoc-hoi-thao-luan-du-an-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận