Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Khởi tố vụ án liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng không phải khởi tố một tôn giáo
Ngày 1/6, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình họp với UBND TPHCM về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có thể lên đến 500 ca
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, Thành phố có 538 trường hợp mắc bệnh được phát hiện trên địa bàn. Trong đó, 336 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 198 trường hợp nhập cảnh, 4 trường hợp lây trong khu cách ly.
Đến nay, đã có 266 trường hợp điều trị khỏi bệnh, còn 272 ca bệnh đang điều trị. Trong đó, 208 ca được phát hiện từ ngày 27/4 đến nay, với 1 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch tại Hà Nam (phát hiện ngày 29/4), 2 bệnh nhân từ ổ dịch trong một công ty ở Quận 3 (phát hiện ngày 18/5), 5 ca bệnh từ ổ dịch tại quán bánh canh ở Quận 3 (phát hiện ngày 21/5), 200 bệnh nhân thuộc ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng (phát hiện ngày 26/5).
Trong các ổ dịch nói trên, 3 ổ dịch đã được kiểm soát, từ ngày 25/5 đến nay không ghi nhận thêm người mắc bệnh. Riêng ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, theo ông Bỉnh, sẽ tiếp tục phát hiện thêm nhiều ca mới, dự đoán lên đến khoảng 500 ca trong những ngày tới.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, hiện Thành phố đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Về việc xử lý ổ dịch liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ông Nguyễn Thành Phong cho biết đã cử Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức ngay trong chiều nay (1/6) họp với quận Gò Vấp để chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi thực hiện cách ly toàn xã hội trên địa bàn quận theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Hiện Thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm diện rộng, trong đó tập trung lấy mẫu ở các tổ bầu cử có thành viên nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đi bầu và lấy mẫu toàn bộ người dân quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc (Quận 12). Ngày hôm qua (31/5), tổng số mẫu được lấy để xét nghiệm đạt gần 80.000 mẫu. Trong những ngày tới, xác định các khu công nghiệp, khu chế xuất tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Thành phố ưu tiên lấy mẫu cho công nhân trong các doanh nghiệp.
UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức cho các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện đúng bộ tiêu chí phòng chống dịch áp dụng cho doanh nghiệp. Thành phố sẽ kiên quyết xử nghiêm những doanh nghiệp không đảm bảo an toàn.
Về vấn đề vaccine, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố có nhu cầu tiêm chủng rất lớn cho người dân, nhất là cho những người có nguy cơ cao và kiến nghị Chính phủ có cơ chế để Thành phố, các tổ chức và doanh nghiệp tham gia nhập vaccine.
Thành phố đang chuẩn bị triển khai gói hỗ trợ thứ 2 nhằm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này, nhất là những người làm việc trong ngành dịch vụ, công nhân bị mất việc làm,…
Nguy cơ khủng hoảng nếu phòng dịch tại các khu công nghiệp không tốt
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến công tác phòng dịch của TPHCM.
Theo Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, các buổi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng dịch tại Khu Chế xuất Tân Thuận cho thấy không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Do đó, cần yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện kiểm tra, giám sát công tác này; tổ chức các khu cách ly tại chỗ. Riêng Quân khu 7 đã triển khai công tác phòng, chống dịch ngay từ những ngày đầu. Hiện Quân khu đã xây dựng kế hoạch tiếp nhận cách ly 82.500 người khi dịch bùng phát.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trên địa bàn, lực lượng công an có Bệnh viện 30/4 và đơn vị cảnh sát cơ động đều đang sẵn sàng tham gia hỗ trợ khi Thành phố yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị Thành phố cần có kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trong việc đưa hàng hóa vào những địa phương thực hiện cách ly xã hội, nhất là khi dịch diễn biến phức tạp hơn. Ngoài ra, tại các trung tâm thương mại, công tác phòng, chống dịch được thực hiện khá tốt, tuy nhiên Thành phố cũng cần tăng cường phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, có kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine cho bà con tiểu thương bởi kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng tới 70% trong phân phối hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt lo ngại nguy cơ dịch bệnh có thể xuất hiện trong các khu công nghiệp. Theo ông Long, do môi trường tập trung rất đông người, nhà máy khép kín, trong khi thực hiện phòng dịch hiện vẫn chưa nghiêm. Do vậy, trước hết phải làm tốt việc quản lý công nhân; nơi ở, phương tiện đưa đón, nhà cung cấp, tổ chức xét nghiệm sàng lọc…, phải tạo ra chuỗi an toàn. Với 1,6 triệu công nhân trong các nhà máy, nếu TPHCM không quản lý tốt, nguy cơ khủng hoảng sẽ xảy ra rất nhanh.
Về vaccine, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vấn đề hiện nay không phải là kinh phí, mà khó là nguồn cung rất khó khăn, dù Việt Nam mua được hàng trăm triệu liều nhưng việc nhận là theo kế hoạch, từ giờ đến cuối năm mới nhận đủ. Ông cho biết, hôm qua (31/5), Bộ Y tế đã họp với đại diện COVAX, yêu cầu chuyển vaccine về Việt Nam sớm hơn.
Liên quan đến đề nghị của Thành phố trong đàm phán với Moderna, Bộ đã có văn bản trả lời, theo đó, sẽ tạo điều kiện về nhập khẩu, vấn đề cấp phép, kiểm định và trong trường hợp phải ký kết thỏa thuận miễn trừ, Bộ sẽ ký và báo cáo Thủ tướng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, địa phương, theo đó tạo điều kiện để các đơn vị trong nhập khẩu, cấp số đăng ký, kiểm định, thỏa thuận miễn trừ…. Bộ Y tế chỉ quan tâm đến hai việc, an toàn và chất lượng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ có 2 trường đại học, 2 bệnh viện lớn và Bộ đã giao quyền cho Thành phố có quyền trưng tập nguồn nhân lực theo nhu cầu sử dụng. Với yêu cầu bổ sung đối tượng ưu tiên tiêm vaccine là công nhân, ông Long cho biết, trong kết luận của Thủ tướng đã bổ sung.
Về tình hình dư luận những ngày gần đây đối với Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thành phố trong công tác tuyên truyền cần làm cho dư luận hiểu rõ việc Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan đến ổ dịch Hội thánh truyền giáo Phục Hưng chứ không liên quan đến hoạt động tôn giáo.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Chiến Thắng, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng thực chất là một điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo. Điểm sinh hoạt này đăng ký hoạt động ở cấp phường, không phải là tổ chức tôn giáo. Và như vậy, người đứng đầu của nhóm này không thể gọi là mục sư.
Hiện tại trên cả nước đang có khoảng 5.500 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tương tự như nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng ở Gò Vấp, trong đó tại TPHCM có 145 điểm nhóm. Những điểm này hiện đang không chịu sự hướng dẫn của các tổ chức tôn giáo Trung ương, ít nhận được sự quản lý của Nhà nước. Do đó, nếu các cấp chính quyền cơ sở buông lỏng hoạt động của những nhóm này, sẽ khó trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện các quy định phòng, chống dịch cũng như những chính sách khác của Nhà nước.
Ông Vũ Chiến Thắng đề nghị UBND TPHCM thực hiện rà soát các cơ sở thờ tự, tôn giáo để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Với nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, cần tạm đình chỉ hoạt động của điểm nhóm này. Tùy vào kết quả điều tra có thể xử lý mạnh hơn, thậm chí là rút giấy phép hoạt động.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao công tác phòng, chống dịch của TPHCM trong thời gian qua, tuy nhiên, việc để xảy ra lây nhiễm từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là một bài học sâu sắc trong công tác chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng, việc khởi tố vụ án liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là khởi tố một vụ án làm lây lan bệnh dịch chứ không khởi tố một tôn giáo. Nếu có bị can thì đây là việc xử lý một cá nhân với tư cách là công dân chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Qua câu chuyện để xảy ra lây nhiễm và trở thành ổ dịch lớn ở Gò Vấp, công tác quản lý của các cấp cơ sở cần được chấn chỉnh, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể địa phương.
TPHCM có số dân đông, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về phòng dịch, thực hiện 5K. Riêng tại các khu công nghiệp, với hàng triệu lao động, cần giám sát việc thực hiện bộ tiêu chí đảm bảo an toàn. Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về tổ chức các khu cách ly, TPHCM cần đảm bảo yếu tố an toàn, phòng cách ly như kế hoạch của Thành phố, 4 người mỗi phòng là vẫn nhiều, chỉ nên 2 người. Bên cạnh đó, phải có vách ngăn, có camera giám sát,…
Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý, kế hoạch xét nghiệm toàn Thành phố là rất cần thiết nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, trước tiên tập trung cho các khu công nghiệp. Huy động các nguồn lực cùng tham gia mua vaccine. Với gói hỗ trợ thứ 2, Thành phố cũng cần có kế hoạch hỗ trợ cho cả những doanh nghiệp khó khăn, tạo điều kiện để họ duy trì sản xuất.
Về tình hình dịch trên địa bàn, Phó Thủ tướng cho rằng những ngày tới đây, có thể vẫn còn có thêm nhiều trường hợp lây nhiễm. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm trong chống dịch, Phó Thủ tướng tin tưởng Thành phố tiếp tục kiểm soát được tình hình.
Mạnh Hùng
Nguồn Chinhphu.vn
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận