Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Người tạo bước ngoặt cho ngoại giao Việt Nam
Trong tiến trình xây dựng và đổi mới đất nước, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo có nhiều dấu ấn trong lĩnh vực ngoại giao, mở ra thời kỳ mới cho đối ngoại Việt Nam. Những đóng góp ấy in đậm trong ký ức của nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
- Dấu ấn nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong lòng người dân
- Thông báo về Lễ viếng, lễ truy điệu và lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
- Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần
Đồng chí Đỗ Mười là người được tôi luyện qua các cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Trong ký ức những người có dịp làm việc với ông thì “ông là con người có tư duy mới mẻ và sâu sắc, có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, một người thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”, làm việc hết mình vì đất nước, vì dân tộc”.
“Tôi rất xúc động và vô cùng thương tiếc khi nhận tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười – một cây đại thụ trong các nhà lãnh đạo của Việt Nam từ trần”, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ.
Mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam
Thời kỳ ông Nguyễn Dy Niên làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trong nhiều dịp được làm việc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Niên rất ấn tượng với phong cách lãnh đạo đặc trưng của đồng chí Đỗ Mười. Ông Niên bày tỏ: “Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một nhà lãnh đạo bản lĩnh với tinh thần vì dân, vì nước; một người mẫu mực, liêm chính; người luôn không ngừng sáng tạo, không bằng lòng với những gì đã có và đồng chí còn truyền lửa nhiệt tình, sự năng động đó cho người khác".
Trong ký ức của ông Nguyễn Duy Niên, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười hết sức quan tâm đến công tác đối ngoại. Mỗi khi có những sự kiện quan trọng, Đồng chí Đỗ Mười đều gọi các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao đến để nghe báo cáo và cho ý kiến chỉ đạo rất cụ thể. Cuộc họp nào cũng rất sôi nổi. Đồng chí Đỗ Mười vừa nghe vừa trao đổi ý kiến, đặt rất nhiều câu hỏi…
Trong thời kỳ đồng chí Đỗ Mười đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau là Tổng Bí thư, nền ngoại giao Việt Nam đã có những bước ngoặt quan trọng.
“Đồng chí Đỗ Mười đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện chủ trương khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc; xóa bỏ thế bao vây, cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Mỹ; gia nhập ASEAN; khai thông quan hệ với các định chế tài chính quốc tế…
Những quyết sách này đã góp phần mở ra chương mới cho đối ngoại Việt Nam, giúp nước ta đa dạng hóa, đa phương hóa, mở rộng các quan hệ kinh tế và hợp tác nhiều mặt với các nước, tạo tiền đề để chúng ta chủ động tích cực hội nhập khu vực và thế giới, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết
Ông Nguyễn Dy Niên còn nhớ, khoảng năm 1987, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam, trong đó có đồng chí Đỗ Mười (khi đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) sang thăm và làm việc với lãnh đạo Liên Xô.
Khi ấy, đất nước ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng, bị bao vây, cấm vận, đời sống nhân dân khó khăn, thiếu lương thực. Ông Niên đi cùng với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tháp tùng đoàn. Trong buổi hội đàm với Liên Xô, ta có đề nghị Liên Xô giúp đỡ lương thực nhưng phía Liên Xô chưa đề cập vấn đề này.
Đến tối, ông Niên và đồng chí Nguyễn Cơ Thạch mời đồng chí Đỗ Mười đi ăn cơm. Khi qua phòng đồng chí Đỗ Mười, vẫn thấy đồng chí ngồi trên ghế với vẻ mặt đăm chiêu, ông Niên cất lời:
- Chúng em mời anh đi ăn cơm!
- Liên Xô họ đã đồng ý giúp mình lương thực đem về cho dân đâu. Bụng dạ đâu mà ăn chứ!
Qua lời nói đó, ông Nguyễn Dy Niên thầm cảm phục một nhà lãnh đạo lúc nào cũng đau đáu, hết lòng với đất nước, lo lắng cho nhân dân.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi sau đó là Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã có nhiều chỉ đạo sát sao, cụ thể và quan trọng trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, khôi phục, mở rộng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và bình thường hoá quan hệ với Mỹ.
“Những quan điểm chỉ đạo rõ ràng của đồng chí Đỗ Mười đã khiến cho những nhà ngoại giao khi thương lượng, đàm phán có thể mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn giữ được nguyên tắc, theo đúng lời dạy của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Trong hồi ức về các hoạt động ngoại giao trong quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Việt cách đây 20 năm, ông Niên còn nhớ rõ lời dặn dò và cái đập mạnh vào tay của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trước khi ông Niên đi dự họp một hội nghị chuyên viên cao cấp tại Bắc Kinh.
Mặc dù đã nhận được chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (lúc đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Uỷ viên Bộ Chính trị), ông Niên vẫn được Đồng chí Đỗ Mười gọi đến và dặn dò thêm: “Cậu nhớ là trong thảo luận với Trung Quốc cần làm thế nào để bình thường hoá quan hệ hai nước, tăng tình hữu nghị, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau nhưng vẫn phải giữ vững nguyên tắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.
Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã làm ấm lòng và truyền cảm hứng với những người làm công tác ngoại giao.
“Từ đó đến nay, chúng ta đã phát triển đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, hợp tác quốc tế. Việt Nam hiện có rất nhiều đối tác chiến lược, đối tác toàn diện… Đây là thành quả mà đồng chí Đỗ Mười đã góp công gây dựng”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định.
Người học trò xuất sắc của Bác Hồ
Năm 2000, khi ông Nguyễn Dy Niên làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, mặc dù đã nghỉ công tác nhưng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn gọi ông Niên đến để nghe tình hình thế giới và những vấn đề đối ngoại liên quan đến Việt Nam.
Một ấn tượng sâu sắc với ông Niên là mỗi khi đến thăm đồng chí Đỗ Mười, kể cả khi đồng chí đã nghỉ công tác, lúc nào ông Niên cũng thấy trên bàn rất nhiều sách báo.
“Bản thân tôi cũng có thói quen đọc và ham đọc do công tác đòi hỏi nhưng so với anh Mười thì chẳng thấm tháp vào đâu. Do anh đọc nhiều, biết nhiều loại sách nên có nhiều quyển liên quan đến đối ngoại, chính do anh giới thiệu mà tôi biết để tìm đọc”.
Ông Nguyễn Dy Niên kể, vào ngày cuốn “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại Việt Nam, ông đã tìm mua ngay để tặng Đồng chí Đỗ Mười. Nhưng khi vừa bước vào nhà nguyên Tổng Bí thư, ông Niên đã thấy trên bàn cuốn “Thế giới phẳng” với những dòng bút nhớ xanh, đỏ. Thấy vẻ ngạc nhiên của ông, đồng chí Đỗ Mười vui vẻ nói: “Cậu làm sao nhanh bằng tớ được!”
Không chỉ có tinh thần học tập suốt đời, trong cảm nhận của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên, trong sinh hoạt, làm việc, đối xử với cán bộ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là một người hết sức giản dị, tiết kiệm, thân tình, xứng đáng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
“Biết rằng quy luật sinh tử không tránh được nhưng đồng chí Đỗ Mười ra đi đã để lại niềm tiếc thương vô hạn. Một nhân cách lớn như vậy, một con người ưu tú như vậy, dân nhớ, dân thương lắm…”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên xúc động nghẹn ngào…
Hoàng Anh ( Nguồn chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận