Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu: Gắn kết nguồn cội
Dù được tổ chức online nhưng hoạt động này vẫn thể hiện sự gắn kết tình đồng bào, truyền tải tình yêu thương của bà con xa xứ với Tổ quốc thân yêu.
Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu được hình thành từ năm 2015 do một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo, hội đoàn kiều bào của 7 nước thành lập.
Sau 5 năm triển khai, dự án đã tổ chức Ngày Quốc tổ và an vị tượng Vua Hùng ở 10 quốc gia. Đó là Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan và Ukraina.
Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn biến phức tạp nên Ngày Quốc tổ Việt Nam trên toàn cầu sẽ được tổ chức trực tuyến. Dù được tổ chức online nhưng hoạt động này vẫn thể hiện sự gắn kết tình đồng bào, truyền tải tình yêu thương của bà con xa xứ với Tổ quốc thân yêu.
Th.s Mai Hắc Long, Phó Chủ tịch Trung tâm liên Văn hóa, Khoa học và Truyền thông Quốc tế, Phó Trưởng Ban tổ chức Chương trình Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu online cho biết, chương trình năm nay được triển khai bao gồm 2 nội dung chính.
Theo đó, vào ngày 10/3 âm lịch, cùng nhau thay đổi avatar trên tài khoản facebook cá nhân. Đó là hành động cũng giống như thắp một nén tâm hương hướng về Vua Tổ của nước Việt. Thể hiện tình yêu đất nước, hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc.
Thứ hai là viết status, có thể viết một tin ngắn, một bài thơ hay một bài văn ngắn nói về tình yêu thương giữa con người với con người, viết về quê hương, đất nước; tri ân công lao của những vị tiên tổ, cụ thể là các vị Vua Hùng có công dựng nước. Đó là nội dung ý nghĩa chính của cuộc thi Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu online năm nay.
Ông Mai Hắc Long cũng cho rằng, dù bằng hình thức nào thì sứ mệnh của Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu là gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, gắn kết tình đồng bào vừa truyền tải tình yêu thương của bà con xa xứ về với Tổ quốc thân yêu.
“Bằng hình thức nào, dù thực tế hay online, trong trường hợp chúng ta không có online thì có thể viết những bức thư để gửi về cũng là cách để kết nối tinh thần đoàn kết dân tộc, kết nối những tấm lòng người Việt xa xứ với những người Việt trong nước cùng nhau hướng về một điểm chung là người con nước Việt. Bằng hình thức nào cũng đều có ý nghĩa và đạt được hiệu quả nhất định. Hình thức online đang cho thấy hiệu quả hơn tất cả và phù hợp với thời điểm này, khi mọi người không cần tụ tập nhưng vẫn có cơ hội. Đến thời điểm này, trang fanpage chính thức của Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu online cho thấy mọi người có lượng tương tác rất lớn”- ông Long chia sẻ.
Sau Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu năm nay, Ban Dự án cũng có kế hoạch trong thời gian tới để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình.
Ông Mai Hắc Long cho biết, năm nay Ban Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã chính thức hoạt động trong Trung tâm liên Văn hóa, Khoa học và Truyền thông Quốc tế (viết tắt là ICI) có trụ sở chính tại Áo. Trung tâm ICI sẽ là pháp nhân giúp cho các nhiệm vụ của Ban Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu được rõ ràng hơn. Ngoài việc gắn kết cộng đồng người Việt ở Ngày Quốc tổ, các hoạt động trải dài trong một năm, bao gồm gắn kết các tổ chức văn hóa, tổ chức truyền thông về hình ảnh đất nước, dân tộc Việt Nam ra với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và với những nước có người Việt sinh sống.
"Mục đích để định vị giá trị thương hiệu của người Việt, giá trị về văn hóa mà trong mỗi người Việt đều có, qua các hoạt động truyền thông hình ảnh đất nước con người hay thế mạnh của Việt Nam với quốc tế, ICI là một kênh song song với những kênh khác của Chính phủ và Nhà nước để làm nhiệm vụ này”- ông Mai Hắc Long cho biết./.
Ngọc Hà/VOV2
( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận