Mãi khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiều công lao to lớn, cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành sứ mệnh lịch sử lớn lao trong cuộc trường chinh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tên tuổi của Đại tướng gắn liền với những mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; hình ảnh Đại tướng được khắc sâu trong lòng nhân dân, trong sự ngưỡng mộ của bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự kiệt xuất
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trên cương vị Bí thư Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt sâu sắc đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước lớn mạnh, trưởng thành, phát huy vai trò của quân đội cách mạng, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; phát huy thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, từng bước đánh bại các kế hoạch quân sự của địch. Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cuộc kháng chiến như Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… Đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư duy quân sự sắc bén, với nhãn quan chiến lược sâu sắc, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đưa Đại tướng vào hàng danh tướng của thế giới.
Từng rải truyền đơn thách thức Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân đọ sức tại Điện Biên Phủ nhưng kết cục De Castries - chỉ huy tập đoàn cứ điểm này phải thú nhận rằng: “Tướng Giáp là một người thông minh, dũng cảm, một người giỏi chỉ huy du kích. [...]. Chúng tôi đã thấy rõ điều đó. Nay qua trận Điện Biên Phủ, tôi thấy tướng Giáp không những giỏi về chỉ huy đánh du kích mà còn giỏi cả về chỉ huy trận địa chiến, chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng, và cả về nghi binh đánh lừa tình báo đối phương”(1). De Castries khẳng định: “Quân đội viễn chinh Pháp và các tướng tá Pháp chúng tôi là một đội quân nhà nghề, thiện chiến và trang bị hiện đại. Sự kiện tướng Giáp thắng chúng tôi ở Điện Biên Phủ làm chúng tôi ngạc nhiên về tài năng của ông [...] Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và Đại tướng Navarre. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”(2).
Có thể nói, quyết định hoãn kế hoạch tiến công, kéo pháo ra, thay đổi phương châm tiêu diệt địch, từ “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là một quyết định lịch sử và là quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mười năm sau, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới được nghe một số cán bộ Đại đoàn nói thực với ông về ý nghĩ của mình. Và cũng chỉ đến khi đó ông mới biết rằng trong Hội nghị ngày 14-1-1954, cán bộ thuộc quyền đều cảm thấy nhiệm vụ quá nặng, cụ thể là lo phải đột phá liên tục, trận đánh kéo dài, không giải quyết được vấn đề thương binh và tiếp tế khi vào “tung thâm”. Cũng chỉ đến khi đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới nghe được đồng chí Vương Thừa Vũ nói rằng: “Nếu theo phương châm đánh nhanh thì cuộc kháng chiến chống Pháp sẽ kéo dài thêm 10 năm”. Còn đồng chí Lê Trọng Tấn khẳng định: “Nếu đánh như vậy thì chúng tôi đã không còn có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”(3). Đại tá Nguyễn Minh Phương, nguyên Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Chiến dịch Biên Giới 1950 đến sau Đại thắng mùa xuân 1975 nói: “Tư duy chiến lược cực kỳ xuất sắc của Đại tướng là một nhân tố quyết định góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ”(4).
Bằng tài năng và trí tuệ kiệt xuất, bằng kinh nghiệm thực tiễn, trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đã góp phần quan trọng vào xây dựng Nghị quyết Trung ương 15, tạo nên cột mốc lịch sử quan trọng trong quá trình tìm tòi, xác định con đường cách mạng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên cương vị Phó thủ tướng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng chỉ đạo quân dân trên cả hai miền Nam, Bắc lần lượt đánh bại các chiến lược, những cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ, ngụy, lập nên những chiến công vang dội, như thắng lợi trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và mùa khô 1966-1967, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, cuộc tiến công chiến lược năm 1972, hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làm nên “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12-1972.
Đặc biệt, trong toàn bộ tiến trình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, từ khi kế hoạch bắt đầu khởi xướng ở “Tổng hành dinh” cho đến ngày toàn thắng là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện ở việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam tích cực chuẩn bị các kế hoạch chiến lược, tham mưu trúng, đúng để Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đề ra nhiều chủ trương, quyết định quan trọng, chính sách, mà còn thể hiện ở khả năng “nắm thời cơ, tạo thời cơ và chớp thời cơ” để chỉ đạo toàn quân đánh những đòn quyết định giành thắng lợi cuối cùng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đúng như Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo khẳng định: “Từ Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đến cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu truyền thống tinh hoa của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, chỉ huy lãnh đạo Quân đội ta giành thắng lợi vẻ vang cho dân tộc”(5).
Điều đáng nói hơn, trong mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở, suy nghĩ để làm sao ít tổn thất nhất đến xương máu của cán bộ, chiến sĩ. Đại tướng không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất cứ giá nào về xương máu của cán bộ, chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Đại tướng luôn chia sẻ với từng vết thương của mỗi người lính, tiếc từng giọt máu của mỗi chiến sĩ. Với Đại tướng, quan điểm cốt lõi trong chỉ huy từng chiến dịch là giành được thắng lợi, nhưng phải đi đôi với hạn chế cao nhất sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lý giải cho lựa chọn cách đánh trong trận quyết định cuối cùng, Đại tướng nhấn mạnh: “Đi quanh bàn làm việc, nhìn vào tấm bản đồ từ mọi phía, tôi nhớ lại năm xưa đứng trước sa bàn Điện Biên Phủ, suy nghĩ về cách đánh tập đoàn cứ điểm. Hai sự kiện lịch sử có khoảng cách hơn 20 năm, nhưng giống nhau ở sự động não cao độ trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, góp sức tìm ra cách đánh tối ưu nhằm giành thắng lợi lớn nhất với tổn thất ít nhất”(6).
Thực tế đã minh chứng, hơn 30 năm chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa bao giờ phạm sai lầm về chiến lược; ngược lại, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cho 10 danh tướng của Pháp, Mỹ mắc sai lầm về chiến lược và thua trận. Trong đó, có 7 đại tướng Pháp: Philippe Leclerc, Etienne Valluy, C.Blaizot, M.Carpentier, Delattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 3 đại tướng Mỹ: Westmoreland, C.Abrams và F.C.Weyand.
Đây chính là lý do khi được hỏi vì sao Tướng Giáp được phong thẳng lên Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời vì Tướng Giáp đã đánh bại nhiều tướng tài của các cường quốc trong lịch sử xâm lược Việt Nam. Tướng Peter Mac Donald, một nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh nhận định: “Trong giai đoạn 1944-1975, cuộc đời của Tướng Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái vĩ đại nhất mọi thời đại... Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông Giáp trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy”(7). Đó chính là lý do Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được gọi bằng một cái tên khác là “Napoleon Đỏ”, nhằm nói lên tài năng quân sự kiệt xuất của ông giống như thiên tài quân sự Napoleon Bonaparte, nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quân ở châu Âu.
Có thể nói, mặc dù không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, nhưng trải qua hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp tham gia hoạch định những quyết định lớn của Đảng và Nhà nước về đường lối cách mạng qua từng giai đoạn của cuộc kháng chiến; xây dựng đường lối quân sự, chiến lược quân sự, đề ra những chủ trương lớn về kế hoạch tác chiến chiến lược và là người chỉ đạo, tổ chức, thực hiện những kế hoạch tác chiến chiến lược ấy. Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, phát động chiến tranh giải phóng dân tộc toàn dân, toàn diện, trường kỳ; tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân. Chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao ở Việt Nam đã đánh bại chiến tranh xâm lược của hai “đế quốc to” giàu mạnh hơn Việt Nam gấp nhiều lần, qua đó đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành một tài năng quân sự kiệt xuất.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vốn từ một thanh niên yêu nước, một thầy giáo dạy lịch sử, đồng chí Võ Nguyên Giáp bước vào con đường hoạt động cách mạng. Tháng 4-1940 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Võ Nguyên Giáp, ông và đồng chí Phạm Văn Đồng được đồng chí Hoàng Văn Thụ - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp giao nhiệm vụ sang miền Nam Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 6-1940, tại Thúy Hồ - Côn Minh - Vân Nam, hai ông được gặp đồng chí Vương, tức lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, và từ đây cuộc đời cách mạng của Võ Nguyên Giáp gắn chặt với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trở thành người học trò xuất sắc, cộng sự tin cậy, thân cận bên Người.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “đạo” của người làm tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất, nhân cách và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của người làm tướng. Trong buổi trao sắc phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bác trao hàm Đại tướng để Chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà Nhân dân phó thác cho”(8). Tại Hội nghị quân sự lần thứ V (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu về phẩm chất, tư cách, nhiệm vụ của người tướng lĩnh với 6 chữ: “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung”. Theo đó, trong bất luận hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn quán triệt và làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, xứng đáng là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, đúng như khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta”(9).
Đặc biệt, trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Tại Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bài tham luận với tựa đề: “Làm theo lời Bác - Dĩ công vi thượng”. Đại tướng nhấn mạnh: “Hơn 60 năm đã trôi qua, lời dạy ấy vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn gọn trong bốn chữ như vậy mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Người suốt đời cho tới hôm nay”(10).
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt và thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đưa ông trở thành “Đại tướng của nhân dân”, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nói cách khác, được trực tiếp làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở bất cứ nơi đâu và trong bất luận hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi thế, trọn đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đại tướng khẳng định: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”(11).
Không chỉ noi gương người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng tổng kết thực tiễn và chính từ đó Đại tướng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hơn thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một trong những người sớm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Với ba chuyên luận: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”, “Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, “Thế giới đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong thời kỳ mới.
Những dấu ấn còn mãi với Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đồng chí Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng và trở thành vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Hoàng Hoa Thám, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã chỉ huy Đội đánh thắng hai trận đầu ở Phai Khắt, Nà Ngần, tạo khí thế, tinh thần đấu tranh cách mạng cho lực lượng vũ trang và toàn dân.
Trên cương vị là Tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945. Tiếp đó, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đồng chí đã tham mưu cho Trung ương Đảng phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân (dân quân du kích, bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực), trong đó đặc biệt chú trọng vai trò của bộ đội chủ lực; đồng thời, trực tiếp tổ chức mở rộng, phát triển lực lượng vũ trang cả về số lượng, chất lượng, quy mô tổ chức, trình độ, khả năng chiến đấu; chỉ đạo phát triển chiến tranh du kích, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, tiến hành nhiều trận đánh quan trọng quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội chủ lực không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành lập các đại đoàn, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các chiến dịch có tính chất quyết định về chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Đại tướng là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội Nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng. Đặc biệt, đến giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để nhân sức mạnh tổng hợp của các sư đoàn, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh đề xuất của Đại tướng Tổng Tư lệnh là sáng tạo và chính xác, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn chiến trường, đáp ứng nhạy bén yêu cầu của sự phát triển quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh vào thời điểm đó.
Điểm cần nói rõ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị là Bí thư Quân ủy đầu tiên, Tổng chính ủy của các chính ủy luôn luôn thực hiện phương châm chính trị trọng hơn quân sự. Đại tướng luôn chăm lo xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam thực sự vững mạnh về chính trị, tổ chức hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Quân đội. Xây dựng quân đội cách mạng, là lực lượng chính trị và công cụ bạo lực tin cậy của Đảng, của Nhà nước; là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân. Đại tướng là Bí thư Quân ủy đầu tiên, thể hiện rõ vai trò chỉ đạo, định hướng cho cơ quan Tổng cục chính trị, cán bộ chính trị các cấp và trực tiếp thực hiện hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị, bảo đảm cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Xây dựng các tổ chức, trong đó có tổ chức đảng luôn luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện đoàn kết nội bộ. Chăm lo giáo dục chính trị, công tác cán bộ, đặc biệt là học tập Bác Hồ về phát hiện, quý trọng và sử dụng nhân tài. Những lời hiệu triệu, những lời kêu gọi, những mệnh lệnh của Đại tướng đưa ra thấm sâu vào tâm tư, tình cảm của mỗi cán bộ, chiến sĩ như hồi trống trận, như tiếng kèn xung phong thôi thúc toàn quân suốt những năm tháng kháng chiến cho đến ngày toàn thắng, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam từ ngày thành lập đến nay đều thân thiết, tự hào gọi ông là người Anh Cả của quân đội. Đặc biệt, Đội quân “bách chiến, bách thắng”, từ nhân dân mà ra, được nhân dân gọi bằng cái tên trìu mến là Bộ đội Cụ Hồ, mang bản chất cách mạng được xác định trong Mười lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn thảo từ những ngày chuẩn bị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chính là người có công đầu trong việc tạo nên hình ảnh cao đẹp đó.
Dấu ấn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước
Không chỉ là vị Tổng Tư lệnh tài ba, trực tiếp chỉ đạo quân và dân ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ giữ trọng trách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981-1991), Đại tướng đã góp phần quan trọng xác định phương hướng thực hiện cách mạng khoa học - kỹ thuật một cách đúng đắn, phù hợp, với việc kết hợp những bước đi tuần tự và những bước phát triển nhảy vọt, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm phục vụ kịp thời, có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vào những khâu chủ chốt, tạo sự chuyển biến tích cực để giải quyết những vấn đề của ngành giáo dục nước nhà và nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi; có nhiều ý kiến quan trọng, có giá trị cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
* * *
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục hơn 80 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Đại tướng là một tài năng quân sự kiệt xuất, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam; với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Sự hòa quyện giữa binh nghiệp và văn hóa, giữa “Võ” và “Văn” được đúc kết qua câu đối nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Văn lo việc nước, Văn thành Võ/ Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn!”. Với những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dan tộc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Thế giới đang đổi thay, tình hình quốc tế, khu vực luôn có những diễn biến nhanh, khó dự báo; ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản chúng ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh đó đòi hỏi chúng ta phải chắt lọc, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt là những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh giải phóng dân tộc vào giai đoạn cách mạng mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại tá, PGS,TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/mai-khac-ghi-cong-lao-to-lon-cu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận