Khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thảo luận 6 dự án luật
Để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã khai mạc nhằm thảo luận, cho ý kiến vào 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 4 tới. Cùng dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quán triệt Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của Quốc hội trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khóa XV đã tổ chức thành công 04 kỳ họp, ban hành 8 luật, cho ý kiến 07 dự án luật khác, ban hành 62 nghị quyết với sự thống nhất, đồng thuận cao.
Đây là kết quả của quá trình phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, kết hợp với việc phát huy dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ, đóng góp của cử tri và Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các bậc lão thành cách mạng, các chuyên gia, nhà khoa học…; trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực, trách nhiệm, tâm huyết, hiệu quả của các Đại biểu Quốc hội nói chung và Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách nói riêng.
Kỳ họp thứ 4 sắp tới của Quốc hội có nhiều nhiệm vụ lập pháp quan trọng. Các dự án, dự thảo dự kiến trình Quốc hội thông qua đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thảo luận, lấy ý kiến qua nhiều vòng, tại nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến kỹ lưỡng về những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật đầu tiên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Để có thêm các ý kiến đa dạng, nhiều chiều, giúp cơ quan hữu quan nhận diện thêm các vấn đề mới phát sinh, nắm bắt bao quát toàn diện, giải trình thấu đáo hơn, bảo đảm chất lượng cao nhất của các dự án, dự thảo trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để các Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến vào từng dự án. Qua đó, góp phần vào việc xem xét, thông qua của Quốc hội đạt tỷ lệ tán thành cao, đồng thời, rút ngắn thời gian kỳ họp.
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2 của nhiệm kỳ khóa XV sẽ tập trung thảo luận về 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gợi mở những vấn đề cần cho ý kiến về các dự án luật như: Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Về 01 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình một kỳ họp đó là dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách không chỉ là một quy trình trong hoạt động lập pháp, mà còn là diễn đàn thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách. Việc tổ chức Hội nghị là cần thiết, thể hiện quyết tâm của UBTVQH nhằm phát huy tối đa vai trò, trí tuệ, tính dân chủ của Đại biểu Quốc hội chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật và các chức nặng, nhiệm vụ của Quốc hội; đồng thời, việc tổ chức Hội nghị cũng phù hợp với xu hướng đổi mới, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại biểu Quốc hội chuyên trách với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và đất nước, thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân với các quyết sách trình Quốc hội xem xét thông qua; tranh thủ tối đa thời gian, cơ hội để nghiên cứu, trao đổi, tranh luận, phản biện với cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nhằm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc về các dự thảo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật với mục tiêu đảm bảo chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận