Khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX
Sáng nay (19/9), sẽ diễn ra lễ khai mạc chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 với gần 1000 đại biểu chính thức và khoảng 300 đại biểu khách mời.
Sáng nay (19/9), sẽ diễn ra lễ khai mạc chính thức Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 với gần 1000 đại biểu chính thức và khoảng 300 đại biểu khách mời.
Đại hội có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đọc diễn văn khai mạc Hội nghị. Diễn văn khẳng định: Đại hội lần này có ý nghĩa rất quan trọng, có nhiệm vụ đánh giá tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII nhiệm kỳ 2014-2019 và đề ra Chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Đại hội sẽ thông qua Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sửa đổi, bổ sung; hiệp thương cử ra Uỷ ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực nhiệm kỳ 2019-2024.
Tiếp đó, các đại biểu nghe ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Bản tóm tắt Báo cáo của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam khoá VIII.
Báo cáo do ông Hầu A Lềnh trình bày khẳng định: Năm năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã đề ra.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy, tăng cường đồng thuận xã hội, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển đất nước. Các cuộc vận động, phong trào thi đua được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của Nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.
Công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước được quan tâm; vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường.
Hoạt động đối ngoại của Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng mở rộng và đa dạng, đóng góp hiệu quả cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hoạt động của Mặt trận ngày càng đổi mới và hướng mạnh về cơ sở.
Tuy nhiên, Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Nội dung và phương thức vận động, tập hợp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc còn chậm được đổi mới, hiệu quả chưa sâu rộng và toàn diện, chưa đáp ứng kịp thời trước những yêu cầu mới của xã hội.
Các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước có nơi còn hình thức; kết quả vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh chưa đồng bộ, giảm nghèo chưa bền vững.
Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở một số địa phương, cơ sở còn hình thức, chất lượng không cao; vai trò Mặt trận đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân chưa được phát huy đầy đủ.
Phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan và những bài học kinh nghiệm, Báo cáo nêu rõ 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn 2019-2024.
Báo cáo khẳng định: Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Hơn bao giờ hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có sứ mệnh phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới- Phát triển”, Đại hội kêu gọi toàn thể đồng bào Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đoàn kết, chung sức, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tiếp đó, Đại hội đã nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thời gian còn lại của sáng nay và chiều nay, các đại biểu thảo luận tại 5 Trung tâm thảo luận của Đại hội do các Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam là ông Hầu A Lềnh, bà Trương Thị Ngọc Ánh, ông Ngô Sách Thực, ông Phùng Khánh Tài và ông Nguyễn Hữu Dũng chủ trì./.
Trần Khánh/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận