Hôm nay (7-11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, hôm nay (7-11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; và Luật Điện lực (sửa đổi).
Chương trình làm việc cụ thể:
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia;
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều. Dự thảo luật kế thừa và có sửa đổi chủ yếu 62 điều về quy định chung, cấp giấy phép hoạt động điện lực, thị trường điện, mua bán điện, giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình điện lực và an toàn điện.
* Hôm qua (6-11), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười bốn (Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 27 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật đầu tư công, đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; căn cứ lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; nguyên tắc quản lý đầu tư công; tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A; điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm;
Điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền; trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm vốn ngân sách nhà nước; giám sát đầu tư của cộng đồng; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án thực hiện trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư; đối tượng đầu tư công; các hành vi bị nghiêm cấm; điều chỉnh chương trình dự án, tiêu chí phân loại dự án đầu tư công, kế hoạch đầu tư; điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tại phiên thảo luận có 22 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các luật thuộc dự án Luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai, góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung, cụ thể như sau:
Về Luật Quy hoạch: Mối quan hệ giữa Luật Quy hoạch với các luật chuyên ngành; chi phí cho hoạt động quy hoạch; điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn; danh mục dự kiến của các dự án ưu tiên của tỉnh; quy định về điều chỉnh quy hoạch theo thủ tục rút gọn; xây dựng quy hoạch tổng thể của quốc gia và từng địa phương…
Về Luật Đầu tư: Nghiên cứu chính sách đầu tư theo ngành, lĩnh vực; rà soát các quy định của Luật Đầu tư phù hợp với các luật chuyên ngành; quỹ hỗ trợ đầu tư do địa phương thành lập; bổ sung điều khoản chấm dứt đầu tư; thủ tục đầu tư đặc biệt; thanh tra, kiểm tra, giám sát thủ tục đầu tư đặc biệt…
Về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất; bổ sung ưu tiên các dự án quốc phòng và an ninh; quy mô đầu tư; huy động nguồn lực; hợp đồng BT; mở rộng đối tượng đầu tư; các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước; dự án BOT ký hợp đồng trước thời điểm Luật PPP hiện hành có hiệu lực; cơ chế thanh toán hợp đồng; trình tự, thủ tục đơn phương chấm dứt thời hạn thực hiện hợp đồng; dự án sử dụng vốn đầu tư công; các lĩnh vực đầu tư công; cơ chế thanh toán; quy định chuyển tiếp…
Về Luật Đấu thầu: Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; quy định gói thầu tư vấn đơn giản, cấp bách; bổ sung chỉ định thầu đối với đấu thầu hàng hóa, các gói thầu; hạn mức chỉ định thầu đối với nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư; chỉ định thầu gói thầu liên quan đến định giá tài sản trong vụ án hình sự; quy định về mua sắm trực tiếp; trường hợp giải quyết tranh chấp trong nước; thẩm quyền của chủ đầu tư; quy định mua thuốc để bán lẻ tại các nhà thuốc bệnh viện công lập…
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
THANH HẢI
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hom-nay-7-11-quoc-hoi-thao-luan-ve...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận