Hôm nay (24-10), Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Công đoàn
Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tám, hôm nay (24-10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
Chương trình làm việc cụ thể hôm nay (24-10):
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Dự án Luật Dữ liệu.Hôm qua, thứ Tư (23-10), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; bảo đảm lợi ích tốt nhất; đối xử bình đẳng; quyền được thông tin đầy đủ, kịp thời; áp dụng hình phạt; bảo đảm giữ bí mật cá nhân; quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý, phiên dịch; việc trợ giúp của người làm công tác xã hội; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; trách nhiệm của gia đình; giải quyết trường hợp người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, học sinh trường giáo dưỡng bỏ trốn; phạt tiền; việc thi hành án phạt tù; tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội...
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe: Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật và Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; sở hữu di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; danh sách, danh mục và tiêu chí ghi danh, ghi danh bổ sung về di sản văn hóa phi vật thể; ghi danh, ghi danh bổ sung và hủy bỏ ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; nhiệm vụ của bảo tàng; hoạt động truyền thông của bảo tàng; hoạt động dịch vụ của bảo tàng; nguồn tài chính để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan; việc bảo tồn di sản của các dân tộc thiểu số, quy định chuyển tiếp...
THANH HẢI
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hom-nay-24-10-quoc-hoi-thao-luan-v...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận