Giảm hơn 2100 đơn vị cấp phòng, thu hồi cả nghìn quyết định tuyển dụng
Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp.
Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) trong năm 2022.
Bộ máy tiếp tục được tinh gọn, giảm cấp trung gian
Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2022, ước quy mô nợ công của Việt Nam bằng khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP (giảm so với mức 43,1% GDP năm 2021); cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Báo cáo cũng nêu mục tiêu của Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch, giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương (NSĐP), giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được giao.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, bộ máy hành chính Nhà nước tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm cấp trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ, 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ, 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Lũy kế đến nay, 63 tỉnh, thành đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Cả nước cũng đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016.
Liên quan đến tinh giản biên chế, theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, cả nước giảm 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021).
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ để kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức.
Theo đó, từ năm 2020 đến tháng 6/2022, đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp. Các bộ, ngành, địa phương cũng được yêu cầu cải thiện môi trường làm việc; có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn… để kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong năm 2022, xuất hiện tình trạng một bộ phận nhỏ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, y tế, giáo dục. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để…
Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó có tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.
Công tác triển khai phân bổ chi NSNN chậm, nhất là các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi, Chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương.
Về nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chính phủ xác định thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 đã được Quốc hội đề ra để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD/người.
Một trong những giải pháp được nhấn mạnh là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN.
Còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”
Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phạm Thuý Chinh cho biết, báo cáo chưa đánh giá về những lãng phí mà cử tri, nhân dân bức xúc, quan tâm nhiều trong các năm qua là việc các công trình đầu tư công không phát huy được hiệu quả. Như chợ xây xong không sử dụng, bệnh viện xây xong không được đưa vào sử dụng, không phát huy được công năng…
Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung, đánh giá kết quả rà soát và xử lý thực trạng này đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp khắc phục, báo cáo thẩm tra nêu.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với những nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ của những tồn tại đó; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế còn chung chung...
Cơ quan thẩm tra cũng đề cập những han chế cụ thể, trong đó có việc lập dự toán dự toán NSNN chưa sát thực tế, công tác quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Theo cơ quan thẩm tra, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng khá thận trọng, chưa thực sự sát với thực tế (năm 2022 thu NSNN tăng 403,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn 28,6% so với dự toán).
Tỷ trọng thu ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo Chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Một số khoản thu đạt thấp, nhất là thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 26,2 nghìn tỷ đồng (-87,2%) so với dự toán do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư.
Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành.
Báo cáo thẩm tra còn chỉ ra rằng, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản biến động nhanh và đối diện với nhiều khó khăn như: lượng giao dich giảm mạnh, một số dự án bất động sản chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí. Bên cạnh đó, giá bất động sản vẫn ở mức cao, nguồn cung hạn chế ở các phân khúc, đặc biệt là thị trường bất động sản dành cho số đông còn thiếu hụt.
Uỷ ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu NSNN; siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, đề cao vai trò người đứng đầu, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ./.
Ngọc Thành/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận