Đảng Cộng sản Việt Nam - “Người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”
Đây là cụm từ đầy tính nhân văn được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong di chúc của Người trước lúc đi xa: “...Đảng ta là một đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là một thực tiễn lịch sử không ai có thể phủ nhận được.
Từ ngày thành lập đến nay, trải qua 95 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối phát triển; đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân ta phát huy tinh thần sáng tạo, sức mạnh tổng hợp, thực hiện đổi mới toàn diện, từng bước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn gần dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, tình cảm của nhân dân, qua đó Đảng, Nhà nước đề ra những chủ trương, chính sách đúng đắn phục vụ nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc lắng nghe dân, học hỏi dân là nguyên tắc nhận thức và hành động tiên quyết của người cán bộ, đảng viên. Người căn dặn, đã là cán bộ lãnh đạo thì "một giây, một phút cũng không thể giảm bớt mối liên hệ giữa ta với dân chúng, nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của nhân dân...".
Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tiếp xúc, làm việc với quần chúng; nắm tâm tư, nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ; phải tin yêu, tôn trọng quần chúng; lắng nghe ý kiến đóng góp, phê bình, xây dựng của quần chúng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và của giai cấp công nhân” và Người cũng chỉ ra rằng “Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân”, là “công bộc” của nhân dân. Cụm từ “công bộc” được Bác dùng để mô tả “người đầy tớ của nhân dân”. Thực tế, công bộc của dân thường được hiểu như một triết lý, tư duy quản lý, gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của quan chức, người nắm quyền lãnh đạo, hoặc mở rộng là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, vì lợi ích của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong của người cán bộ trong vai trò “người công bộc”; Người là hình ảnh đẹp, vĩ đại để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân noi theo. Trong hệ thống quan điểm của Người về công tác cán bộ, “vị thế công bộc” của người cán bộ lãnh đạo đất nước là nội dung nổi bật; các phát biểu, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh, chức vụ, quyền lực của mỗi cán bộ lãnh đạo là do nhân dân tín nhiệm, ủy thác; cho nên, cùng với việc Đảng cầm quyền, được giao đảm nhiệm các vị trí trọng yếu trong cơ quan Nhà nước, khi thực thi các quyền lực đó, cán bộ lãnh đạo là những người đại diện cho nhân dân, là “công bộc của dân”, chứ không phải “làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân”, điều này cũng có nghĩa,“tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến địa phương, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân” và làm cán bộ chính là “suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Ngày nay, dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, như mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ… đã hướng sự quan tâm của con người đến lợi ích vật chất, khiến một số người quá đề cao các yếu tố vật chất, hình thành, phát triển lối sống thực dụng, bỏ qua những giá trị, chuẩn mực đạo đức, nhân cách con người, văn hóa xã hội, trong đó có một bộ phận không nhỏ nằm trong hàng ngũ “công bộc của dân”, đồng thời không ít cán bộ, đảng viên bị suy giảm đạo đức nghiêm trọng, vấn nạn tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, gây nhức nhối về đạo đức trong Đảng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân và xã hội.
Để bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa, tất cả cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người trong xây dựng “vị thế công bộc”, “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” để nâng cao trách nhiệm, tinh thần cống hiến, vì mục tiêu mang lại lợi ích của nhân dân, coi lợi ích của nhân dân là trên hết.
Phải có sự tận tâm, lo lắng, quyết tâm xử lý, giải quyết những vấn đề nảy sinh liên quan đến cuộc sống và sinh kế của người dân, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
TRẦN VĂN BÉ NHỎ (Văn phòng Huyện ủy Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)
Theo https://www.qdnd.vn/cuoc-thi-viet-vung-buoc-duoi-co-dang/dang-cong-san-v...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận