Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội: Phải hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao
Chiều ngày 24/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ cho ý kiến về Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu chương trình phải có phạm vi đủ rộng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, tinh thần là đánh giá, dự báo tình hình phải đúng, sát thực tế, khách quan, trung thực, phải dựa trên số liệu thống kê có độ tin cậy cao. Chương trình cần tập trung trọng tâm, trọng điểm vào một số vấn đề theo hướng: những nhiệm vụ giải pháp về y tế nhất là nâng cao năng lực y tế nói chung, trong đó, đặc biệt quan tâm y tế dự phòng, y tế cơ sở, vaccine và các biện pháp điều trị; các vấn đề về an sinh xã hội, trong đó, quan tâm đến khôi phục thị trường lao động và giảm nghèo bền vững; chương trình hỗ trợ, phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; chương trình phát triển hạ tầng chiến lược; ổn định kinh tế vĩ mô, cân đối cung cầu, quản lý rủi ro; tăng cường năng lực quản trị quốc gia, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phòng, chống tiêu cực tham những; tính toán nguồn lực, điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định chính sách vĩ mô và các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát…
Thủ tướng đề nghị Cơ quan chủ trì tiếp thu ý kiến các đại biểu và tiếp tục tham khảo ý kiến của các cơ quan liên quan về Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền sớm nhất có thể, đặc biệt lưu ý phải đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, tạo được sự đồng thuận cao./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận