Chủ tịch nước thăm Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh
Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 và hiện đã hoàn thành công tác kêu gọi đầu tư với 450 tỉ đồng, trở thành dự án phù hợp với tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo Luật công nghệ cao.
Sáng nay (12/4), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. Cùng tham gia đoàn công tác có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 và hiện đã hoàn thành công tác kêu gọi đầu tư với 450 tỉ đồng, trở thành dự án phù hợp với tiêu chí nông nghiệp công nghệ cao theo Luật công nghệ cao. Các doanh nghiệp trong khu hoạt động trong các lĩnh vực như nghiên cứu phát triển và sản xuất hạt giống rau; xử lý trái cây bằng nhiệt; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, sản xuất cây giống và rau thương phẩm; sản xuất hoa lan và cây cảnh; chế biến, bảo quản nông sản…
Hiện Khu Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố đã thành lập được ngân hàng nguồn gen bảo tồn và lưu trữ các giống cây, giống con quý hiếm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, lai tạo và sản xuất, tạo ra các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Duy trì hoạt động thu thập và du nhập hơn 500 giống nguồn gen bản địa cây con.
Báo cáo Chủ tịch nước và đoàn công tác, lãnh đạo Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố cho biết, các doanh nghiệp trong Khu hàng năm cung cấp cho thị trường gần 369 tấn hạt giống rau ăn quá gần 3 triệu bịch phôi, túi giống nấm các loại; giống và hoa lan; xử lý sau thu hoạch gần 200 tấn các loại trái cây xuất khẩu... với tổng doanh thu ước đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm.
Sau khi thăm các mô hình của Khu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Khu đã nỗ lực đạt kết quả tích cực trong hoạt động, thực hiện sứ mệnh không chỉ phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM mà còn phải đóng vai trò thúc đẩy phát triển nông nghiệp miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ. Chủ tịch nước cho biết, Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM là 1 trong 10 khu công nghệ cao cả nước nên có tầm nhìn phát triển xa hơn, đã đi tiên phong trong trồng trọt, thủy sản, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp đô thị. Khu đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm và nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tích cực công tác ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, rất tự hào và phấn khởi khi lãnh đạo đơn vị đã xác định mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đến năm 2030 là nơi dẫn dắt, định hướng cho nông nghiệp của Thành phố và khu vực phát triển theo hướng hiện đại. Không chỉ Thành phố mà khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh phía Đông Nam Bộ.
"Do vậy, những gì bắt đầu ở đây sẽ làm thay đổi nông nghiệp của Thành phố và góp phần làm thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, sứ mệnh của các đồng chí vô cùng lớn lao. Tôi chúc các đồng chí tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa để khi quay lại đây đều được chứng kiến thành tựu vượt bậc của các đồng chí, lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm"- Chủ tịch nước nói.
Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị TPHCM và Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất các chính sách về nông nghiệp công nghệ cao bằng những cơ chế hấp dẫn để xã hội hóa nguồn lực. Cần đầu tư phát triển cơ sở vật chất các khu nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng các khu công nghệ hiện có, hình thành các khu công nghệ cao đa chức năng gắn với phát triển du lịch. Tiếp đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á, qua đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao giá trị sản phẩm sản nông nghiệp, nhất là các sản phẩm giống cây con, ươm mầm phát triển.
Tiếp đó trong sáng nay (12/4), tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chủ tịch nước cũng trao tặng Huân Lao động hạng Ba cho Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư huyện Ủy, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi. Dịp này, một số tổ chức, cá nhân trong huyện Củ Chi cũng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng huyện Củ Chi và các tập thể cá nhân được tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, nhà nước vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xứng đáng với quê hương “đất thép, thành đồng”.
Theo đó, huyện đã đẩy lùi dịch bệnh một cách chủ động và quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân; huy động được các nguồn lực xã hội để chống dịch; huy động hơn 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ công tác này. Đoàn Đại biểu TPHCM cũng đã huy động được hơn 60 tỉ đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Với sự chủ động và nỗ lực đó, huyện Củ Chi dù dân số đông đã có tỷ lệ tử vong thấp nhất và là huyện có vùng xanh sớm nhất của TPHCM. Công tác an sinh vẫn được đảm bảo trong dịch bệnh. Sau dịch bệnh, huyện đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và việc làm, 3 tháng qua đã tăng trưởng cao, đã nộp ngân sách gần 50% kế hoạch nhà nước giao.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến những gia đình có người thân mất do dịch bệnh; gửi lời thăm hỏi và tri ân lực lượng y, bác sĩ, quân đội, công an, dân quân tự vệ; cảm ơn các nhà hảo tâm đã kề vai sát cánh trong phòng, chống dịch. Chủ tịch nước khẳng định, thành tích trong phòng, chống dịch của Củ Chi là nguồn cổ vũ động viên để huyện vững bước tiến lên trong giai đoạn tới.
Trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị huyện Củ Chi thực hiện hiệu quả đa mục tiêu, vừa chống dịch COVID-19 tốt, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. Trong đó chú ý phát triển kinh tế huyện nhà để người dân có thu nhập tốt hơn. Huyện cần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, chất lượng dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển giáo dục để người dân Củ Chi làm chủ sự phát triển của huyện thông qua công tác khuyến học, khuyến tài. Phát triển kinh tế gắn với giữ gìn văn hóa của địa phương Củ Chi với những đặc sắc riêng có. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhất là gia đình chính sách vì Củ Chi là huyện chính sách rất lớn.
Chủ tịch nước thăm hỏi các đại biểu dự buổi lễ.
Chủ tịch nước tin tưởng, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục đưa Củ Chi “đất thép thành đồng” phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi.
Tiếp đó trong sáng nay (12/4), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, dâng hương tại Di tích lịch sử nơi họp hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ tháng 9/1940. Chủ tịch nước cũng đã thăm, tặng quà ông Phan Công Cường, thương binh hạng 1/4, sinh sống tại khu phố 3, huyện Hóc Môn; thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Ni, sinh sống tại Thị trấn Hóc Môn, có con độc nhất là liệt sĩ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận