Chính phủ chấp hành nghiêm chương trình của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về quyết tâm và giải pháp phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết các cơ quan thanh tra, Công an đã và đang vào cuộc mạnh mẽ với các kết luận rõ ràng, đồng thời Chính phủ nghiêm túc chấp hành chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
- Quốc hội nghe báo cáo về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
- Quốc hội lo thất thoát tài sản công, yêu cầu quản lý chặt vốn nhà nước
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại phiên họp chiều 6/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề chung của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ “kép”: Tăng trưởng kinh tế và chống tham nhũng
Đại biểu Quốc hội Giàng A Chu đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua và đặt ra chất vấn về quyết tâm của Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định những năm qua, đặc biệt là năm 2017, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả to lớn, căn bản, được đồng bào cử tri cả nước đồng tình ủng hộ và ngay cả dư luận quốc tế cũng đánh giá cao. “Diễn đàn Kinh tế thế giới 2018 (WEF Davos) đặt câu hỏi khi chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh không? Chúng tôi trả lời là không vì ta đạt được các kết quả toàn diện cả về kinh tế và phòng, chống tham nhũng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ thực hiện nhiệm vụ “kép” là bảo đảm tăng trưởng kinh tế với thành quả cao hơn, bền vững hơn nhưng mặt khác phải nghiêm khắc với các tồn tại trong các lĩnh vực ngân hàng, hải quan, tài chính, công tác cán bộ. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan Công an đã vào cuộc và kết quả đã công khai rõ ràng với các số liệu rõ ràng về thất thoát, tham nhũng, lãng phí.
“Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành chương trình phòng chống tham nhũng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu và cùng với các cơ quan tư pháp, lập pháp làm tốt hơn công việc này”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Ứng dụng KHCN trong sản xuất để tăng năng suất lao động
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long) nhìn nhận năng suất lao động đang thấp và yêu cầu Phó Thủ tướng đưa ra giải pháp then chốt để nâng cao năng suất lao động.
Về nội dung này, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay năng suất lao động của ta thấp hơn các nước trong khu vực nhưng tốc độ tăng năng suất lao động lại cao hơn. Những năm qua Việt Nam tăng 4,7%, riêng năm 2017 tăng trên 5% thì Thái Lan chỉ tăng hơn 2%.
Nguyên nhân năng suất lao động thấp vì năng suất nội ngành thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực năng suất thấp sang khu vực có năng suất cao không tương thích, chuyển dịch cơ cấu lao động sang các khu vực tương đối thấp, khi 40% lao động nông nghiệp chỉ tạo ra 15% GDP.
Giờ giải pháp là phải áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động. Bên cạnh đó, cách tính năng suất lao động hiện nay dựa trên số liệu GDP/số lượng lao động, trong khi quy mô nền kinh tế chưa tính được giá trị của nền kinh tế hộ gia đình, nền kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức, kinh tế bất hợp pháp. Nếu tính được đầy đủ GDP bao gồm các dạng chưa tính toán được trên thì năng suất lao động sẽ tăng lên. Có nước khi tính được thì năng suất lao động tăng tới 40%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Ưu tiên xuất ngân sách xử lý các vấn đề bức xúc do sạt lở vùng ĐBSCL
Trước câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) về việc Chính phủ đã có Nghị quyết về ứng phó biến đối khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng việc thực hiện còn chậm. Thủ tướng vừa ứng và đề nghị ứng trước 2.500 tỷ đồng để thực hiện nhưng giải pháp ưu tiên là như thế nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết vào cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm tổ chức ở Cần Thơ Hội nghị ứng phó biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 3 ngày, có các nhà khoa học, đối tác phát triển của Việt Nam tham dự. Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 120 về thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ với vấn đề này.
Để làm được, Phó Thủ tướng cho rằng phải sử dụng biện pháp quản lý tổng hợp đồng bằng mà đầu tiên là quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Nước ta mưa nhiều nhưng 60-70% lượng nước đến từ ngoài lãnh thổ. Bên cạnh đó, phù sa, sinh vật theo con nước vào nước ta thì giảm lượng; nền đất ĐBSCL yếu, bị sụt lún tự nhiên diễn ra phức tạp. Trên cơ sở Nghị quyết số 120, chúng ta sẽ áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình. Đối với việc xói lở bờ sông, bờ biển thì phải có quan điểm phải dành không gian cho bờ sông, trong quy hoạch đô thị quốc gia thì Bộ Xây dựng đang làm quy hoạch đô thị tổng thể cho vùng ĐBSCL.
Về lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở vùng, hiện nay không tái cơ cấu theo từng tỉnh nữa mà theo nguồn nước: Mặn, lợ, ngọt; Chính phủ cũng quan tâm tới từng tiểu vùng như Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng tích cực chủ trì và thực hiện.
Về nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ cũng đã ưu tiên xuất cấp 1.500 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách năm 2018 để đáp ứng xử lý các vấn đề bức xúc do sạt lở, di dời đồng bào và đang kiến nghị Quốc hội bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng trung hạn để thực hiện. Ngoài ra, các nguồn ODA cũng sẽ tập trung vào đây. Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT là Tổ trưởng Tổ điều phối vùng và Bộ NN&PTNT là các cơ quan chính để thực hiện Nghị quyết số 120.
Tranh luận lại với Phó Thủ tướng về việc báo cáo giải trình nói đã thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ bước đầu hiệu quả nhưng nhiều việc Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân cho rằng Chính phủ triển khai chậm. Đại biểu nêu ví dụ giá điện gió theo Quyết định số 37 của Thủ tướng Chính phủ là 7,8 cent/kWh thì giá này rất thấp, khó thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết mức giá 7,8 cent/kWh điện gió đã được quy định từ năm 2011. Hiện nay nhiều nhà đầu tư cho rằng không đủ hoà vốn và phát triển mà ta có tiềm năng lớn. Kế hoạch phát triển điện gió tới năm 2020 cả nước sẽ phải sản xuất được 3.000 MGW mà tới nay chỉ được 129 MGW .
Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phát triển lĩnh vực này và tính toán nếu phát triển điện gió ở biển thì tăng thêm 2 cent/kWh, còn làm điện gió trên đất liền thì tăng thêm 1 cent/kWh nữa. “Việc này đang lấy ý kiến các bộ ngành”, Phó Thủ tướng cho biết./.
Thành Chung ( Nguồn Báo Chính phủ)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận