Chỉ số CCHC năm 2017: Ngân hàng Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu
Sáng 2/5, tại Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017.
Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.
Theo đó, kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các bộ, ngành được chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt kết quả từ 80% trở lên, bao gồm 12 bộ, trong đó, Ngân hàng Nhà nước đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Sau đó lần lượt là các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 19 bộ, ngành đạt được là 79,92%. Không có bộ, ngành nào có kết quả Chỉ số CCHC dưới 70%.
Kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố có sự thay đổi đáng kể so với năm 2016 khi mà sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cho công tác CCHC ngày càng nhiều.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng năm 2017 với kết quả đạt được là 89,45/100 điểm, xếp thứ 2 là TP. Hà Nội và tỉnh Đồng Nai xếp thứ 3, Đà Nẵng xếp thứ 4 và Hải Phòng xếp thứ 5.
Trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng cuối cuối bảng, tỉnh Quảng Ngãi là địa phương có chỉ số thấp nhất với 59,69 điểm.
Đối tượng của bộ chỉ số này là 19 bộ, ngành Trung ương và 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp bộ, ngành được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 37 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100, trong đó: Điểm tự đánh giá của các bộ (có sự thẩm định của Hội đồng) là 63,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 36,5/100 điểm.
Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 38 tiêu chí, 81 tiêu chí thành phần. Thang điểm đánh giá là 100 (có sự thẩm định của Hội đồng) là 65,5/100 và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 34,5/100 điểm.
Mục tiêu của hoạt động này là theo dõi, đánh giá một cách toàn diện, thực chất, khách quan, công bằng kết quả việc triển khai CCHC hằng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Thông qua Chỉ số CCHC xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phường. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nội dung CCHC.
Việc đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng, trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện CCHC hằng năm giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau.
Phương pháp đánh giá là sự kết hợp tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương với đánh giá thông qua điều tra xã hội học.
Việc tự đánh giá được các bộ, ngành, địa phương tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số CCHC cấp bộ, ngành, địa phương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ sẽ thẩm định điểm số tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương với sự tư vấn của Hội đồng thẩm định. Căn cứ vào theo dõi thực tế, điểm tự đánh giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ được Bộ Nội vụ xem xét, công nhận hoặc điều chỉnh nếu cần thiết trên cơ sở thực tế và tài liệu kiểm chứng (điểm này được gọi là điểm Bộ Nội vụ kiểm chứng).
Việc đánh giá thông qua điều tra xã hội học được tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của các nhóm đối tượng sau: Cấp bộ, ngành điều tra xã hội học với 4 nhóm đối tượng: Lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp sở, lãnh đạo cấp phòng thuộc sở, công chức phụ trách CCHC của cấp bộ thuộc đối tượng xác định chỉ số CCHC.
Với cấp tỉnh, điều tra 4 nhóm đối tượng là đại biểu HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, lãnh đạo phòng thuộc sở và lãnh đạo huyện.
Người dân và doanh nghiệp được điều tra qua Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính.
Nhân dịp này, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam có báo cáo Kết quả triển khai Chương trình phối hợp giữa Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam với Bộ Nội vụ trong triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2017.
Đối với Bộ chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (SIPAS 2017). Theo đó, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung cả nước là 80,90%. Tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ cao nhất là 95,97%, tỉnh thấp nhất là 67,70%.
Cụ thể, 6 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chung của tỉnh ở mức trên 90%, 12 tỉnh trong khoảng 85-90%, 13 tỉnh trong khoảng 80-85%, 19 tỉnh trong khoảng 75-80% và 13 tỉnh dưới 75%.
Về sự mong đợi của người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung trong cả nước tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất). Đó là, mong đợi tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (41,49% số người được hỏi).
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận