Cấp tỉnh cũng có cơ quan thường trực chống tham nhũng: Khắc phục "trên nóng dưới lạnh"
Việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có thể xem là biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” từng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.
Tại cuộc họp ngày 11/3, Bộ Chính trị đã giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh (ban chỉ đạo cấp tỉnh)
Ngay sau khi có chủ trương này, nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh để tạo sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương và kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã từng diễn ra.
"Cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương
Đại tá Phùng Kim Lân – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cho rằng, việc thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, đất nước ta đang trên đà phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19. Lẽ tất nhiên, sự phát triển kinh tế- xã hội sẽ kéo theo các yếu tố có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Đại tá Phùng Kim Lân – nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân. (ảnh: CAND)
Mặt khác, so với trước đây thì nay Ban Chỉ đạo Trung ương đã được bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực. Trước tình hình nhiệm vụ mới đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, sự ra đời của ban chỉ đạo cấp tỉnh chính là để đáp ứng đòi hỏi ấy.
Theo ông Phùng Kim Lân, ban chỉ đạo cấp tỉnh ra đời được xem như “cánh tay nối dài” của Ban Chỉ đạo Trung ương. Nếu được tổ chức tốt, chắc chắn ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, kịp thời và hiệu quả hơn.
Còn xét về mặt tổ chức, sự ra đời của ban chỉ đạo cấp tỉnh sẽ giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chống "giặc nội xâm" được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Khi đó, ban chỉ đạo cấp tỉnh chắc chắn cùng với Ban chỉ đạo Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương không thể ngoài cuộc.
"Theo tôi, đây có thể xem là biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã từng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua" - Đại tá Phùng Kim Lân nói.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, ban chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập sẽ giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực của địa phương.
Hơn nữa, chống tham nhũng, tiêu cực phải thống nhất từ trên xuống dưới, từ Trung ương tới địa phương, cho nên nếu thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh thì sẽ mở rộng phạm vi hoạt động, đồng thời sát với yêu cầu của từng địa phương. Vì vậy, đây là một chủ trương sáng suốt, đúng đắn, được toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, đồng tình.
"Sau khi Ban chỉ đạo Trung ương được bổ sung thêm nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực thì khối lượng công việc rất nhiều, nếu dồn cho mình Trung ương thì làm không xuể được. Cho nên, trong tình hình hiện tại, ở các tỉnh cần có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực là hợp lý".
Ông Nguyễn Viết Chức nói như vậy, đồng thời cho biết, Ban Chỉ đạo ở Trung ương do Tổng Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên là đại diện lãnh đạo các Ban của Đảng, Quốc hội, MTTQ, Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát... Sau khi được thành lập, mô hình ở địa phương cũng nên như vậy, Trưởng ban và các thành viên Ban chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ở địa phương.
"Tôi cho rằng, không có biện pháp nào là hoàn hảo cả, ở đâu mà cán bộ không nghiêm túc thì dù ở Trung ương hay địa phương đều dẫn đến kết quả không tốt. Tin rằng, khi đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh thì địa phương nào làm không đến chốn thì Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ xem xét trách nhiệm của địa phương đó" - ông Nguyễn Viết Chức bày tỏ.
Giám sát và kiểm soát tốt tài sản của quan chức
Còn ông Hoàng Ngọc Giao – Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển cũng nhấn mạnh rằng, về mặt thể chế, tổ chức, chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh là một bước thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm” của Đảng; sâu sát hơn tình hình đấu tranh, phê và tự phê, chống lợi ích nhóm, chống những biểu hiện suy thoái, tham nhũng ở địa phương cũng như kịp thời xử lý các vụ việc khi có sai phạm.
Nêu quan điểm cần nhìn thẳng vào bản chất xuất hiện tham nhũng, ông Hoàng Ngọc Giao cho rằng, lâu nay chúng ta mới đang tập trung chống tham nhũng và xử lý hậu quả của các hành vi tham nhũng, còn việc xử lý triệt để nguyên nhân phát sinh tham nhũng dường như chưa được chú trọng.
Trong các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử vừa qua, việc xử lý tội danh tham nhũng rất hạn chế mà phần lớn là xử lý tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và các tội hình sự khác đã được áp dụng để giải quyết các vấn đề tham nhũng. Do vậy, cần tăng cường việc áp dụng Luật phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là những tội danh về tham nhũng trong các vụ án tham nhũng hiện nay.
Ông cũng cho rằng, câu chuyện về minh bạch tài sản của công chức, quan chức để nhân dân giám sát dù đã được quy định rõ nhưng đến nay việc thực hiện chưa được bao nhiêu. Nếu làm tốt các thiết chế: dùng Luật phòng chống tham nhũng để răn đe, xử lý; kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức cũng như công khai các bản kê khai tài sản để người dân giám sát và có chế tài xử lý đối với những người kê khai gian dối hoặc không minh bạch tài sản thì sẽ đấu tranh một cách có hiệu quả nguồn gốc gây ra tham nhũng.
Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, ban chỉ đạo cấp tỉnh khi thành lập nên trực thuộc cơ quan Trung ương, theo ngành dọc để có sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Bởi vì lâu nay câu chuyện “địa phương chủ nghĩa” bao bọc cho nhau đã từng diễn ra. Một số vụ việc ở địa phương khi xử lý cán bộ chưa đủ sức răn đe, còn nương nhẹ, phê bình rút kinh nghiệm nội bộ gây bức xúc trong dư luận. Công tác tự kiểm tra còn yếu, phê bình và tự phê bình còn nể nang, né tránh... Một số vụ việc Trung ương phải chỉ đạo, đôn đốc thì mới làm, thậm chí phải thanh tra, kiểm tra lại và trực tiếp xử lý với mức kỷ luật cao hơn so với mức đề xuất của cơ sở.
Theo đó, ban chỉ đạo cấp tỉnh cần phải đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Trung ương và phải chịu trách nhiệm dưới sự giám sát và kiểm tra của Trung ương. Đồng thời giao ban chỉ đạo ở địa phương giám sát và thực hiện thật tốt việc kiểm soát tài sản của quan chức bởi vì khi tài sản có sự biến động bất thường là một trong những dấu hiệu của tham nhũng./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận