Báo cáo Quốc hội xin dừng xây dựng Luật Hành chính công
Dự luật được xây dựng từ sáng kiến lập pháp của nữ đại biểu Trần Thị Quốc Khánh. Tuy vậy, UBTVQH đánh giá chưa đủ điều kiện để trình Quốc hội.
- Khai mạc phiên họp thứ 27 của UBTVQH
- UBTVQH xem xét, cho ý kiến lần 3 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Quyết định này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra sáng nay (11/9) khi thảo luận về dự án Luật Hành chính công, tại phiên họp 27. Các ý kiến đều đánh giá cao tâm huyết và cố gắng của ban soạn thảo nhưng cho rằng dự thảo chưa đảm bảo điều kiện trình ra Quốc hội.
Băn khoăn về nhiều vấn đề
Sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Ban hành luật này có phá vỡ hệ thống pháp luật hiện nay hay không?
Trả lời câu hỏi trên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Pháp luật và Chính phủ thì phạm vi dự thảo luật được thu hẹp, từ 7 nội dung xuống còn 3 nội dung, tập trung vào những vấn đề cốt lõi nhất của nền hành chính mà luật chưa điều chỉnh.
Theo đó, luật này quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.
“Chúng tôi đã rà soát, quy định trong luật này sẽ không phá vỡ hệ thống pháp luật mà chọn vấn đề nào pháp luật hiện hành chưa quy định, như vấn đề nguyên tắc chung, chuẩn chung” – nữ đại biểu khẳng định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá rất cao sự tâm huyết, công phu, dám nghĩ dám làm của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và ban soạn thảo. Song, điều ông băn khoăn là có căn cứ khi tính tính thống nhất, tính cụ thể và tính khả thi đều chưa đạt được.
Cũng ghi nhận sự tâm huyết đeo đuổi việc xây dựng dự án luật của ban soạn thảo, tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng bên cạnh kết quả đạt được thì các báo cáo của Chính phủ và của cơ quan thẩm tra cho thấy rất nhiều vấn đề đặt ra chưa đáp ứng được.
“Các đồng chí có tiếp tục được nữa hay không, nếu không thì đề xuất dừng, coi đây là công trình khoa học tâm huyết và sẽ được tham khảo khi sửa đổi, bổ sung các luật khác” – ông Hà Ngọc Chiến nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, ai cũng phải công nhận sự nỗ lực, cố gắng của ban soạn thảo. Mục đích, ý tưởng tốt nhưng thời điểm này chưa phù hợp, chưa khả thi để trình ra Quốc hội. Theo ông có thể dừng lại ở công trình khoa học, ghi dấu ấn của ban soạn thảo, khi có điều kiện thì lại tiếp tục thực hiện.
Ông Trần Tiến Dũng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao nỗ lực của cá nhân đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng như ban soạn thảo, trong thời gian 2 năm làm được rất nhiều việc. Tuy vậy, nhiều nội dung còn thiếu sự đồng bộ, còn chồng chéo với nhiều luật khác.
“Một đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp và nếu cho ra được sản phẩm sẽ đi vào lịch sử, là tiền đề để các đại biểu khác có sáng kiến lập pháp góp phần xây dựng hệ thống luật” – ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, song băn khoăn về tính khả thi của dự thảo.
“Tôi đã làm hết sức mình!”
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bản thân bà rất ủng hộ sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc Khánh (trước đây từng có một sáng kiến lập pháp của đại biểu khác nhưng không được đưa vào chương trình). UBTVQH tạo điều kiện từ thành lập ban soạn thảo, phân công Uỷ ban hỗ trợ tối đa. Chính phủ cũng ủng hộ, các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia. Dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban soạn thảo nhiều lần tiếp thu ý kiến để hoàn thiện.
Tuy nhiên, hành chính công là vấn đề rất rộng, phức tạp, nội dung cụ thể đang được điều chỉnh trong nhiều đạo luật hiện hành. Trong khi đó, tính quy phạm và tính cụ thể của dự thảo chưa đạt yêu cầu, còn chung chung. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị coi đây là công trình nghiên cứu để tham khảo, làm cơ sở khi xây dựng các quy định liên quan hành chính công ở các luật.
Tiếp thu các ý kiến, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh một lần nữa nhấn mạnh mục đích đề xuất xây dựng luật này xuất phát từ mong muốn của người dân về xây dựng một nền hành chính công đổi mới, phục vụ. “Và nếu có dừng xây dựng dự án luật thì tôi cũng không suy nghĩ gì vì đã làm hết sức mình!” – nữ đại biểu chia sẻ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu một lần nữa nhấn mạnh, thời gian qua, ban soạn thảo hoạt động tích cực, nỗ lực, tiến hành nhiều công việc cần thiết, hoàn thành cơ bản khối lượng công việc. Tuy vậy, khái niệm hành chính công là rất rộng lớn. Qua ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ và tại phiên họp hôm nay thì thấy rằng tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi và tính quy phạm chưa bảo đảm; nhiều chính sách chưa đánh giá kỹ tác động.
“Đồng chí Khánh rất trăn trở với sáng kiến lập pháp của mình và cùng với ban soạn thảo dày công xây dựng với bộ hồ sơ tài liệu rất giá trị, có thể sử dụng để nghiên cứu trong cải cách nền hành chính, xây dựng đạo luật chuyên ngành và tổ chức thực hiện. Đồng chí Khánh có buồn nhưng sẽ thanh thản vì đồng chí đã làm hết tâm, hết sức mình rồi!” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói và đề nghị Uỷ ban Pháp luật tiếp tục có báo cáo thẩm tra nhưng trên tinh thần báo cáo Quốc hội xin rút dự án luật này ra khỏi chương trình, không làm nữa./.
Ngọc Thành/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận