Bám sát nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cuộc bầu cử thành công, an toàn
Ngày 18/5, Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm giải đáp kiến nghị, đề xuất của các địa phương, bộ ngành để tổ chức thành công cuộc bầu cử sắp tới trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp
9 nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến ngày bầu cử (23/5) được Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhấn mạnh.
Cụ thể, một là, tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch. Chủ động xây dựng các phương án, dự lường các tình huống liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử
Hai là, hoàn thành việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và công tác vận động bầu cử; tập huấn cụ thể, sâu sát cho các tổ chức bầu cử, nhất là Tổ bầu cử. Chỉ đạo việc cấp phát kinh phí còn lại, bổ sung kinh phí cho những địa phương đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện cần thiết phục vụ ngày bầu cử; bảo đảm kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.
Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền về bầu cử, về danh sách những người ứng cử, cách thức bỏ phiếu; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc về cuộc bầu cử, tạo không khí phấn khởi, hồ hởi trong nhân dân bằng các hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động, hiệu quả để cử tri, nhất là các cử tri bước vào độ tuổi đi bầu nắm được thông tin, tích cực tham dự bỏ phiếu đông đủ, đúng giờ…
Bốn là, rà soát kỹ phương án bảo đảm an ninh, trật tự; tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử…
Năm là, các thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia được phân công theo dõi các địa bàn từ nay đến ngày bầu cử, chủ động triển khai kế hoạch, nắm bắt thông tin để kịp thời xử lý những tình huống bất thường và giải quyết những vấn đề phát sinh có thể xảy ra…
Sáu là, nhận và kiểm tra biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban bầu cử; lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước, gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và trình Quốc hội khóa mới.
Bảy là, công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XV trong cả nước chậm nhất là 20 ngày sau ngày bầu cử; công bố danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp chậm nhất là 10 ngày sau ngày bầu cử.
Tám là, chuyển các hồ sơ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến công tác bầu cử mà chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp để tiếp tục xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Chín là, báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH và kết quả xác nhận tư cách của người trúng cử ĐBQH khóa XV tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên tiến trình bầu cử
Phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến ngày bầu cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị Ban Thường trực MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nhất là các gia đình có người đi làm ăn xa để nắm sự thay đổi, bổ sung danh sách cử tri, phát thẻ cử tri; thông tin để nhân dân tìm hiểu danh sách người ứng cử tại đơn vị bầu cử, số người được bầu để cử tri sáng suốt lựa chọn; thông tin về thời gian, địa điểm bỏ phiếu, bố trí cử tri đi bỏ phiếu theo giờ; những quy định về phòng, chống dịch trước, trong và sau ngày bầu cử.
Tiếp tục theo dõi, giám sát thường xuyên để cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng quy định, an toàn, tiết kiệm; phát huy vai trò của tổ giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch và vận động từng người dân trực tiếp đi bầu cử…
Ông Ngô Sách Thực đề nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia chỉ đạo hướng dẫn cụ thể hơn việc tổ chức bầu cử ở các đơn vị bỏ phiếu bị phong tỏa do dịch COVID; chỉ đạo các địa phương tập huấn kỹ cho thành viên tổ bầu cử theo các phương án, cấp độ phòng, chống dịch.
Chỉ đạo rà soát những đơn vị bầu cử thiếu số dư theo quy định của Điều 57, 58 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp mà không thuộc trường hợp bất khả kháng, không thực hiện theo hướng dẫn của Nghị quyết số 160/NQ-HĐBCQG.
Nguyễn Hoàng( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận