70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Sáng mãi bản hùng ca
Đã 70 năm qua, bản hùng ca từ sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc trong chiến địch Điện Biên Phủ oai hùng vẫn ngập tràn khí phách. Ghi nhận của Báo Đại Đoàn Kết tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) những ngày sôi động rực đỏ cờ hoa.
Dàn trực thăng vũ trang của Không quân Việt Nam mang theo cờ Tổ quốc lướt trên bầu trời thung lũng Mường Thanh. Quân binh cầm súng diễu hành với nhịp bước uy lực trên con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những hình ảnh tổng duyệt vô cùng ấn tượng và quá đặc biệt với bất kỳ ai có mặt tại thành phố Điện Biên Phủ những ngày qua.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng được tổ chức hoành tráng như một sự kiện chưa từng có ở Tây Bắc. Không chỉ phác lại bản hùng ca chói lọi chấn động địa cầu khi quân ta đánh bại tập đoàn viễn chinh nhà nghề, thay đổi quan điểm và truyền cảm hứng đến tất cả dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên giành độc lập tự do, tổ chức cấp độ Quốc gia tưng bừng nhất về Chiến thắng lịch sử sau 70 năm đã thêm một lần xác lập khí phách hào hùng của cả dân tộc đoàn kết và sáng tạo.
Cờ hoa rực đỏ trên tất cả nẻo đường và con phố Điện Biên. Những dòng xe nối nhau hướng về thành phố thung lũng không dứt cả ngày lẫn đêm. Những đoàn du khách đến từ mọi miền Tổ quốc trong tiếng cười nói hân hoan. Những cô gái Thái với trang phục đẹp nhất. Những âm vang diễn tập át đi nắng nóng. Khu vực Tượng đài Chiến thắng, bức phù điêu tái hiện toàn cảnh Chiến dịch, cứ điểm A1, hầm Đờ-Cát, và đặc biệt là Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên, lượng tính lên đến 20.000 lượt người ghé thăm mỗi ngày - thông tin từ Ban tổ chức. Thậm chí giữa trưa có rất nhiều người đội nắng trên phố đứng chờ giờ mở cửa vào thăm Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Nhóm phượt của anh Lê Anh Tuấn đến từ Nghệ An nói rằng, họ không thể tưởng tượng những người lính Cụ Hồ năm xưa có thể kéo pháo qua đèo Pha Đin thế nào dưới làn bom địch. Địa hình hiểm trở muôn vàn dốc cua tay áo, dẫu QL6 đã nhiều lần được nâng cấp cải tạo, xe nhóm phượt đã chạy bon cả ngày từ Hòa Bình qua Sơn La lên Điện Biên, càng "cảm thấy bái phục tầm vóc các cụ ta xưa", anh Tuấn tỏ rõ kinh ngạc về ý chí và sức mạnh huyền thoại của quân dân Việt Nam khi chinh phạt kẻ thù, đánh đuổi đế quốc. Tư liệu lịch sử, chứng tích chiến tranh, và cả lời kể của bao nhân chứng sống qua 70 năm đã mô tả giặc Pháp với quân lực và khí tài hiện đại vượt bậc nhưng vẫn phải chấp nhận phơi áo trước đội quân "dép lốp" của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Ngay sau loạt pháo trận mở màn lúc 17 giờ 5 phút chiều 13/3/1954 của Đại đoàn 312 với cuộc khai hỏa của 40 khẩu pháo và súng cối nện tới tấp vào cụm Him Lam và xóa sổ cứ điểm này sau 3 tiếng đồng hồ. Mưa pháo của Việt Minh dội liên tiếp 2 ngày sau đã khiến Trung tá nhà nghề Pi-Rốt, chỉ huy pháo binh cứ điểm đồi Độc Lập, phải uất ức tự vẫn bằng một quả lựu đạn. Những hào ngầm mà bộ đội ta đào bằng máu dẫn đến các cứ điểm địch, có đoạn chỉ cách quân Pháp vài chục mét, đã thừa sức cho súng DKZ quân ta dội lửa đánh sập các lô cốt. Phản công và chống cự quyết liệt, với tiếp viện của máy bay Mỹ, nhưng giặc Pháp cuối cùng đã gục ngã hoàn toàn khi tiếng nổ rầm trời từ hào ngầm bộc phá quân ta thổi bay lô cốt trên đồi A1... Lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát lúc 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954 với thắng lợi hoàn toàn thuộc về đội quân du kích.
Chưa thể thống kê có bao nhiêu bài báo trong nước và quốc tế hàng chục năm qua, bao nhiêu hội thảo khoa học quân sự nói về chiến thắng rung chuyển này, và cũng không thể kể xiết mất mát hy sinh của dân tộc Việt Nam suốt cả trăm năm đánh Pháp. "Bùn, máu và hoa", từng mét đất ở Điện Biên Phủ đều có bộ đội ngã xuống vì độc lập, tự do cho cả dân tộc.
Xúc động khoảnh khắc những cựu binh nay đã tuổi cửu tuần đứng trước mộ đồng đội trong nghĩa trang cạnh đồi A1, nơi an nghỉ của 644 người lính từ 70 năm trước. Cụ Trần Đình Đường, cụ Nguyễn Phương Đàn, cụ Bùi Kim Điểu..., những chiến sĩ Điện Biên nay nụ cười móm mém, nước mắt ứa rơi bất chợt. Vui vì tuổi này vẫn được gặp nhau ở chính chiến trường xưa. Khóc vì nhớ người nằm xuống từng chung chiến hào, và khóc vì không biết có lần nào nữa lại có thể đến đây. Các cụ chỉ tay vào từng ngôi mộ đang loang hương khói. Xung quanh có nhiều ngôi mộ chưa biết tên...
Trên đồi A1, hai cây phượng nở hoa rực cháy. Vạt đồi hầm hào còn đó nối kéo lên triền cao cũng màu nâu đỏ. Những bạn trẻ thành kính thắp nén hương tri ân các liệt sỹ trước đài nhang lịch sử. Cô giáo Nguyễn Vân Anh đến từ Lạng Sơn, vừa đáp chuyến bay xuống thung lũng Mường Thanh đã tới ngay ngọn đồi cứ điểm. "Màu hoa kìa, cả màu đất nữa, như máu thấm anh hùng. Cảm giác linh thiêng quá. Em đã nhiều lần đi làm MC hội nghị nói về Chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng đây là lần đầu tiên mới được đến thăm di tích này" - cô giáo xúc động nói với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
Hai bạn trẻ đứng cạnh, Vũ Hữu Huy Khiêm và Nguyễn Thị Giang (Hà Nội), cũng bày tỏ xúc động khi vừa bước ra cùng dòng người vào thăm Bảo tàng Lịch sử Điện Biên. Khiêm làm kinh doanh bên Lào đã hẹn cùng bạn gái lên thăm Điện Biên Phủ dịp này. "Bên Lào, em đọc báo mạng từng ngày hướng về sự kiện. Giờ tận mắt nhìn thấy chiến trường năm xưa mà khâm phục. Xe đạp thồ, áo trấn thủ, vũ khí thô sơ, kỷ vật trưng bày, có cả những tờ báo cũ năm xưa, nhất là cảnh kéo pháo mà thấy khí phách máu lửa của bộ đội ta..." - Khiêm nói lời cảm nhận.
Ai cũng nán lại hồi lâu trước cảnh vật di tích. Tri ân lịch sử, biết ơn thế hệ ông cha năm xưa đã "khoét núi mở hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non" làm nên chiến thắng kỳ tích, cảm nhận của từng người hẳn giống nhau ngay trên mảnh đất anh hùng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là "cột mốc vàng" trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, xứng đáng ghi vào lịch sử như những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thời đại Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói trong cuộc gặp gỡ, tri ân 139 đại biểu chiến sĩ Điện Biên và dân công hỏa tuyến mới đây. Triệu tấm lòng yêu thương, Nghìn mái nhà hạnh phúc, những chương trình tri ân do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động được toàn quốc hưởng ứng tích cực đã hoàn thành 100% việc xây nhà Đại đoàn kết cho tỉnh Điện Biên, dẫu còn đó những trăn trở khi có những gia đình thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ Điện Biên vẫn gặp khó khăn cuộc sống...
Từ ngày 23/9/1945 đến ngày 7/5/1954 rồi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân đội Pháp đã cử 7 tướng lĩnh kinh nghiệm nhất sang chiến trường Đông Dương nhưng tất cả đều thất bại. Không phải lời thách đấu của tướng Đờ-Cát gửi đến khiêu khích Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà có một "Điện Biên Phủ lừng lẫy", chính khí phách và sức mạnh đoàn kết dân tộc Việt Nam không chịu làm nô lệ, không chấp nhận áp bức, đã kiến tạo chiến thắng chói lọi, chấn động địa cầu.
Một "Em bé Điện Biên" hăng say luyện tập nhiều tháng qua cho hình ảnh xuất hiện 15 giây trong đại lễ, hơn 12 nghìn quân binh và các lực lượng luyện tập dưới nắng lửa Tây Bắc cho cuộc diễu binh Kỷ niệm chiến thắng, những nụ cười tỏa nắng Điện Biên của những cô gái trong đoàn hành lễ, và hàng loạt hoạt động diễn ra chào mừng sự kiện lịch sử..., tất cả là bản hùng ca khí phách vẫn đang cháy mãi từ trang sử vàng. Truyền cảm hứng giữa thung lũng anh hùng, U90 Trần Hiếu, U80 Quang Thọ, những nghệ sĩ nhân dân gạo cội lắng đọng ngân lên "Qua miền Tây Bắc", trầm hùng, hào khí ắp đầy sức sống...
Màn phô diễn đặc sắc của 700 drone tỏa sáng giữa trời đêm Mường Thanh tạo hình đàn bồ câu mang khát vọng hòa bình và dòng chữ tuyệt đẹp "Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ" ngay trước Tượng đài Chiến thắng - những ống kính của hàng trăm phóng viên và cả hàng nghìn smartphone của người dân cùng hướng lên bầu trời - cảm xúc tự hào dân tộc anh hùng trong khoảnh khắc đặc biệt đã cùng trào dâng.
( Theo https://daidoanket.vn/70-nam-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-sang-mai-...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận