Thực hiện dân chủ trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Bộ Công an ban hành Thông tư số 117/2021/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của Công an nhân dân.
Mục đích thực hiện dân chủ trong công tác tham tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng là phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ CAND trong công tác. Công khai, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng của CAND. Phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà của cán bộ, chiến sĩ CAND khi thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng, chống tham nhũng.
Về thực hiện dân chủ trong công tác thanh tra, Khoản 2 Điều 6 quy định hình thức thông báo với đối tượng thanh tra căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải thông báo, cơ quan thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.
Theo đó, đoàn thanh tra có thể lựa chọn một, một số hoặc tất cả các hình thức thông báo như: Gửi văn bản cho đối tượng thanh tra; thông báo khi làm việc với đối tượng thanh tra hoặc các hình thức phù hợp khác do trưởng đoàn thanh tra quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối tượng thanh tra có các quyền theo quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; được thông báo những nội dung liên quan đến hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật; phản ánh về trách nhiệm của đoàn thanh tra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, đối tượng thanh tra có trách nhiệm chấp hành quyết định thanh tra của cơ quan có thẩm quyền. Báo cáo về các nội dung được ghi trong quyết định thanh tra theo đề cương yêu cầu, giải trình, báo cáo bổ sung theo yêu cầu của đoàn thanh tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung đã báo cáo, giải trình. Cung cấp kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo yêu cầu của doàn thanh tra. Chấp hành các quyết định xử lý trong quá trình thanh tra. Thực hiện nghiêm chỉnh các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
Về thực hiện dân chủ trong tiếp công dân, Điều 12 Thông tư quy định nội dung công khai với nhân dân, bao gồm: Địa chỉ nơi tiếp công dân; họ tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ được phân công tiếp công dân tại nơi tiếp công dân; nội quy, thời gian tiếp công dân thường xuyên, lịch tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tại nơi tiếp công dân.
Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai như đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.
Người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có các quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật liên quan; được phản ánh về việc thực hiện quy trình tiếp công dân, trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân.
Người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tiếp công dân và nội quy tiếp công dân. Không mang vũ khí, chất nổ, chất độc, chất dễ cháy hoặc chất cấm khác đến nơi tiếp công dân. Không được lợi dụng quyền tự do dân chủ để có lời nói, hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi quá khích xúc phạm đến cơ quan và cán bộ tiếp công dân, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Về thực hiện dân chủ trong phòng, chống tham nhũng, Điều 17 quy định công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ CAND trong quá trình thực thi công vụ; được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan Công an những vấn đề có liên quan đến hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc thẩm quyền của CAND và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của CAND.
Ngoài ra, công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan Công an trong phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các thông tin về phòng, chống tham nhũng mà mình cung cấp; không lợi dụng việc phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác…
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2022.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận