Đề xuất tăng mức xử phạt VPHC lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015.
Bộ LĐTB&XH cho biết, qua tổng kết thực tiễn 6 năm thi hành, Nghị định số 79/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về xử lý VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, hạn chế và phòng ngừa các hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề quốc gia; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 79/2015/NĐ-CP cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Tại thời điểm Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2015/NĐ-CP, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục nghề nghiệp là cơ sở để quy định các hành vi VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa được hoàn thiện một cách đầy đủ, toàn diện.
Nội dung Nghị định quy định mức xử phạt đối với một số hành vi VPHC còn thấp, không đủ sức răn đe, phòng ngừa các đối tượng VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; chưa quy định biện pháp xử phạt “trục xuất” đối với cá nhân là người nước ngoài có hành vi VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Xử lý VPHC; chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ đối tượng bị xử phạt; biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người học đã được xét công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo giáo dục nghề nghiệp hoặc đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chưa phân định rõ thẩm quyền xử phạt của từng chức danh theo từng hành vi VPHC, từng điều, khoản, điểm nên quá trình thực hiện còn gặp khó khăn; một số hành vi VPHC của tổ chức trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp chưa có chế tài xử lý như: Văn phòng đại diện của tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;…
Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc ban hành Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thay thế Nghị định số 79/2015/NĐ-CP là rất cần thiết nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua, tạo hành lang pháp lý đầy đủ về xử lý VPHC, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Bổ sung hành vi vi phạm, biện pháp xử phạt
Theo Bộ LĐTB&XH, dự thảo Nghị định được soạn thảo theo hướng bảo đảm tất cả các hành vi VPHC về hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia đều có hình thức xử lý theo quy định; bổ sung các hành vi VPHC, biện pháp xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả như: Việc thực hiện tự chủ trong giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh; tổ chức đào tạo; liên kết đào tạo; liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp; cấp văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp; nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp; bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp; kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia…
Đồng thời, quy định cụ thể về mức độ hành vi vi phạm (vi phạm không nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng; vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng), hành vi vi phạm đã kết thúc; hành vi vi phạm đang được thực hiện trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để làm căn cứ xác định tính chất, mức độ vi phạm, mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm, làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở thực hiện các biện pháp xử lý VPHC.
Bên cạnh đó, quy định rõ, bổ sung các hành vi VPHC trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phân hiệu trường cao đẳng, trường trung cấp; điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phân hiệu trường cao đẳng, trường trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài; đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; đăng ký hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài; hoạt động của văn phòng đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; quyền tự chủ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định hiện hành; hoạt động tư vấn du học, đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật…
Ngoài ra, dự thảo Nghị định sửa đổi mức xử phạt tiền đối với một số hành vi VPHC đã được quy định tại Nghị định số 79/2015/NĐ-CP nhưng không còn phù hợp với thực tiễn (quá thấp) để bảo đảm đủ hiệu lực phòng ngừa, răn đe các đối tượng cố ý vi phạm như các nhóm hành vi vi phạm về: Tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý, cấp, phát văn bằng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp, các hành vi gian lận để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; bổ sung các biện pháp xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả cho phù hợp với quy định của Luật Xử lý VPHC 2012, Luật Sửa đổi, bổi sung một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và thực tiễn…
Minh Đức ( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận