Đề xuất sửa đổi quy định xử phạt VPHC về bình đẳng giới
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực bình đẳng giới.
Bộ LĐTB&XH cho biết Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ (Nghị định 55) quy định xử phạt VPHC về bình đẳng giới được ban hành đã tạo lập hành lang pháp lý quan trọng cho việc xử phạt VPHC trong lĩnh vực bình đẳng giới, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, bảo đảm các quyền bình đẳng của nam và nữ, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường lành mạnh, dân chủ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, duy trì và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của ngành LĐTB&XH.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 55 đã phát sinh những bất cập cả về sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và cả về thực tiễn áp dụng pháp luật. Ví dụ như: Quy định về mức phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng áp dụng đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm trong Nghị định không tương xứng với tính chất của vi phạm nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm...
Vì vậy, Bộ LĐTB&XH đã dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) trong lĩnh vực bình đẳng giới nhằm khắc phục những bất cập này.
Dự thảo gồm 4 chương, 24 điều. So với Nghị định 55, nội dung về hành vi VPHC và các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi VPHC về bình đẳng giới được Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ bản như sau:
Thứ nhất, đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới nằm rải rác trong các Nghị định quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, chưa được quy định tại Nghị định số 55 hoặc những hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong Nghị định số 55 có sự trùng lặp với những hành vi VPHC tại các Nghị định về XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã xử lý theo một trong các hướng sau đây.
- Đối với các nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới liên quan đến một nội dung đã được quy định cụ thể trong Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực khác, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định viện dẫn việc áp dụng sang các Nghị định quy định XPVPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan. Ví dụ: Khoản 3 Điều 8; Khoản 5 Điều 12 dự thảo Nghị định.
- Đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực bình đẳng giới đang được quy định chung cùng với các nhóm các hành vi khác trong các Nghị định quy định XPVPHC trong lĩnh vực khác, Bộ đề xuất tách thành hành vi riêng và bổ sung trực tiếp vào dự thảo Nghị định với chế tài xử phạt tương ứng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các Nghị định quy định về XPVPHC của Chính phủ trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Ví dụ: Điểm c Khoản 1 Điều 8; Khoản 4 Điều 12; Khoản 5 Điều 13 dự thảo Nghị định.
Thứ hai, đề xuất bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC đối với một số hành vi vi phạm trong dự thảo. Ví dụ: Khoản 6 Điều 6; Điểm b Khoản 5 Điều 7; Khoản 5 Điều 10; Điểm b Khoản 4 Điều 11 dự thảo Nghị định.
Thứ ba, đề xuất điều chỉnh nâng mức phạt tiền, đồng thời bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo đối với một số hành vi nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung. Ví dụ: Điểm c Khoản 2, Điểm a Khoản 3 Điều 11 dự thảo Nghị định...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận