Đề xuất quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm
Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải đảm bảo mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đều phải được kiểm tra, xác minh, xử lý kịp thời, đúng thời hạn theo quy định, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã, các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến.
Về trình tự, thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, dự thảo nêu rõ: Trường hợp cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận phải lập Biên bản tiếp nhận, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo (có thể ghi âm, ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận khi thấy cần thiết).
Trường hợp người tố giác, báo tin từ chối cung cấp thông tin cá nhân thì vẫn phải tiếp nhận thông tin và ghi rõ lý do từ chối.
Trường hợp cá nhân hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bằng văn bản thì cán bộ tiếp nhận phải viết Giấy biên nhận (02 bản), một bản kèm theo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, một bản giao cho người gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thể hiện bằng văn bản gửi qua đường bưu điện, giao liên thì cán bộ tiếp nhận phải ghi vào sổ tiếp nhận và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu (nếu có) để quản lý, theo dõi; đóng dấu, đánh số đến và ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm đến. Cán bộ tiếp nhận phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ đồ vật, tài liệu có liên quan không để hư hỏng thất lạc, không làm thay đổi hình thức, nội dung văn bản tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm qua điện thoại thì cán bộ tiếp nhận phải ghi chép vào sổ tiếp nhận đầy đủ các thông tin như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại của người tố giác, báo tin; tóm tắt nội dung, diễn biến vụ việc…
Về bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tố giác và các cá nhân có liên quan, dự thảo quy định: Việc bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Theo (Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận