Quân sự thế giới hôm nay (20-12): Australia tiếp nhận thêm máy bay F-35A
Quân sự thế giới hôm nay (20-12) có những nội dung sau: Australia tiếp nhận thêm máy bay F-35A; Đức mua thêm tàu ngầm trong hợp đồng chung với Na Uy; Iran thử nghiệm máy bay tàng hình không người lái.
Australia tiếp nhận thêm máy bay F-35A
Ngày 19-12, Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đã tiếp nhận 9 chiếc F-35A cuối cùng của chương trình trang bị đội bay chiến đấu tàng hình F-35A Lightning II kéo dài trong 6 năm tại căn cứ RAAF Williamtown, New South Wales, nâng tổng số máy bay F-35 đang sở hữu lên 72 chiếc. Đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn của Australia trong việc tăng cường sức mạnh không quân và bảo vệ lợi ích quốc gia trong bối cảnh môi trường chiến lược thay đổi nhanh chóng.
“9 chiếc F-35A cuối cùng đến hôm nay hoàn tất hành trình bắt đầu hơn một thập kỷ trước. Đội bay này, phối hợp với các máy bay EA-18G Growler và F/A-18F Super Hornet, là nền tảng của chiến lược phòng thủ trên không của chúng ta,” phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia nói với báo chí. Đội bay sẽ đóng vai trò then chốt trong Chiến lược Quốc phòng của Australia năm 2024 và những năm tiếp theo, bảo đảm sức mạnh không quân tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới.
Các máy bay F-35A bàn giao đợt này đã được chuyển từ căn cứ Nellis ở Nevada (Hoa Kỳ) đến Australia. Quá trình này được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-30A từ Phi đội 33 và máy bay vận tải C-17A từ Phi đội 36 của Không quân Hoàng gia Australia.
Australia bắt đầu tham gia chương trình F-35 từ năm 2009, khi nước này cam kết tham gia sáng kiến Joint Strike Fighter (JSF). Với lý do ban đầu nhằm thay thế các máy bay F/A-18 Hornet và F-111 lỗi thời, các nhà hoạch định quốc phòng Australia đã nhận thấy F-35 là dòng máy bay tối ưu nhất. Đến năm 2014, Chính phủ Australia đã phê duyệt mua 72 chiếc F-35A với tổng chi phí lên tới 12,4 tỷ AUD, bao gồm chi phí mua máy bay, cơ sở hạ tầng và huấn luyện.
Những chiếc F-35A đầu tiên đã hạ cánh xuống Australia vào tháng 12-2018, và kể từ đó đến nay, Không quân Hoàng gia Australia đã tích hợp loại máy bay này vào chương trình huấn luyện và diễn tập. Đến cuối năm 2024, đội bay F-35A đã đạt trạng thái Sẵn sàng Hoạt động Toàn diện (FOC), xác nhận các máy bay đã sẵn sàng tham gia chiến đấu.
Các phi công của Không quân Hoàng gia Australia đã nhanh chóng làm quen với các hệ thống tiên tiến của F-35, tận dụng ưu thế vượt trội về nhận biết tình huống, khả năng tàng hình và tính linh hoạt trong chiến đấu. Với các máy bay cuối cùng được bổ sung, đội bay F-35A sẽ trở thành xương sống của lực lượng Không quân Hoàng gia Australia và là yếu tố then chốt trong các hoạt động phối hợp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phiên bản F-35A của Australia là mẫu chiến đấu cơ tàng hình hiện đại. Máy bay được trang bị các cảm biến và hệ thống liên lạc tích hợp, mang lại cho phi công khả năng nhận biết tình huống toàn diện. Các hệ thống chủ chốt bao gồm radar AN/APG-81 với công nghệ mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), có khả năng phát hiện, theo dõi và chỉ thị tấn công nhiều mục tiêu trong cả chế độ không đối không và không đối đất.
Ngoài ra, F-35A còn được trang bị Hệ thống Nhắm mục tiêu Quang học Điện tử (EOTS), kết hợp hình ảnh hồng ngoại và nhắm mục tiêu bằng laser để thực hiện các cuộc tấn công chính xác. Hệ thống AN/AAQ-37 DAS (Distributed Aperture System) cung cấp khả năng quan sát 360 độ để phát hiện và theo dõi tên lửa đối phương, cũng như giám sát các mối đe dọa trên không.
Đức mua thêm tàu ngầm trong hợp đồng chung với Na Uy
Đức sẽ mua thêm 4 tàu ngầm từ Hãng đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems, nâng tổng số tàu lên 6 chiếc trong khuôn khổ chương trình hợp tác mua sắm chung với Na Uy, theo Bộ Quốc phòng Đức.
Na Uy dự kiến đặt mua thêm hai tàu ngầm, bổ sung vào bốn chiếc đã được đặt trước đó, Văn phòng mua sắm của Quân đội Đức cho biết trong một tuyên bố vào ngày 19-12. Năm 2021, hai nước đã công bố chương trình mua chung 6 tàu ngầm lớp 212CD từ ThyssenKrupp với tổng giá trị khoảng 5,5 tỷ EUR (tương đương 5,7 tỷ USD).
Hợp đồng mua sắm tàu ngầm bổ sung nằm trong gói chi tiêu quốc phòng trị giá 21 tỷ EUR được Quốc hội Đức phê duyệt hôm 18-12. Các dự án khác được phê duyệt bao gồm: Tàu khu trục phòng không F127, hệ thống pháo phản lực PULS của Elbit Systems, tên lửa cho hệ thống phòng thủ Patriot, giáp phản ứng nổ cho xe chiến đấu bộ binh Puma và phát triển dòng tên lửa mới.
Theo Hãng đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems, việc sản xuất tàu ngầm 212CD cho Đức và Na Uy đang được thực hiện đúng tiến độ. Hãng đã bắt đầu chương trình sản xuất vào tháng 9-2023, và 6 chiếc tàu ngầm trang bị cho Hải quân Đức sẽ được bàn giao mỗi năm một chiếc từ năm 2032 đến năm 2037. Hải quân Na Uy dự kiến nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp này vào năm 2029.
Tàu ngầm lớp 212CD có chiều dài khoảng 74m, chiều rộng 10m và lượng giãn nước khoảng 2.500 tấn khi nổi. Đây là phiên bản nâng cấp của tàu ngầm lớp 212A hiện đang phục vụ trong Hải quân Đức, với chiều dài khoảng 58m và lượng giãn nước 1.500 tấn.
Iran thử nghiệm máy bay tàng hình không người lái
Giám đốc Cục Công nghiệp Hàng không vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng Iran vừa công bố nước này đã bắt đầu thử nghiệm phiên bản không người lái của dòng máy bay chiến đấu tàng hình Qaher-313.
Thông báo này được đưa ra tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Kish, và cũng là thông báo mới nhất về tương lai của dự án máy bay tàng hình không người lái Qaher-313, kể từ lần đầu được giới thiệu năm 2013.
Iran từng khẳng định Qaher-313 là một máy bay chiến đấu tàng hình với các khả năng độc đáo, bao gồm né tránh radar, bay ở độ cao thấp và thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật. Đây còn được coi là biểu tượng của sự độc lập về mặt công nghệ, một phần trong chiến lược khẳng định vị thế cường quốc khu vực của Iran dựa trên nền tảng làm chủ vũ khí quân sự.
Thiết kế của Qaher-313 được cho là mang dáng dấp các máy bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35 của Hoa Kỳ, với thân máy bay được thiết kế đặc biệt giúp giảm nguy cơ bị tín hiệu radar phát hiện theo tuyên bố của các quan chức Iran.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự bày tỏ nghi ngờ về những tuyên bố này, cho rằng thiết kế của Qaher-313 có nhiều hạn chế về mặt cấu trúc, có thể làm giảm hiệu quả hoạt động trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Một trong những lo ngại chính là tính khí động học của máy bay. Mặc dù các viền cạnh sắc nét giúp giảm tín hiệu radar, nhưng chúng cũng tạo ra lực cản lớn, làm giảm khả năng cơ động, đặc biệt ở tốc độ cao. Cấu trúc này có thể gây nhiễu loạn xung quanh thân máy bay, làm mất năng lượng và giảm độ ổn định, điều rất quan trọng trong các tình huống chiến đấu.
Đáng chú ý, Qaher-313 thiếu các bộ ổn định đứng hoặc cánh đuôi truyền thống, vốn là tiêu chuẩn trên nhiều máy bay chiến đấu hiện đại để đảm bảo sự ổn định trong các thao tác bay tốc độ cao và điều kiện tải trọng lớn.
Kích thước cánh của Qaher-313 cũng được đánh giá là nhỏ hơn so với các máy bay chiến đấu hiện đại khác, làm hạn chế khả năng tạo lực nâng trong các thao tác bay nhanh, điều rất cần thiết khi né tránh các mối đe dọa hoặc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chiến thuật.
TRUNG THÀNH (Tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-20...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận