Sân khấu cảnh tỉnh lạm dụng công nghệ
Với vở diễn “Cánh cửa khép hờ”, đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên cùng các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam lại thêm một lần vượt qua “vùng cấm” quen thuộc của nghệ thuật cải lương truyền thống khi kết hợp với công nghệ để mang tới một vở diễn thử nghiệm khá táo bạo, đưa cải lương đến gần hơn với khán giả trẻ.
“Cánh cửa khép hờ” được NSND Triệu Trung Kiên và tác giả Hoàng Song Việt đồng tác giả kịch bản. Vở diễn khai thác đề tài giả tưởng kể câu chuyện cặp vợ chồng doanh nhân Phạm Thắng (diễn viên Minh Hải) và Thanh Huyền (diễn viên Như Quỳnh) đã 3 lần sinh con và đều không nuôi được. Phần vì thương vợ, phần vì có những toan tính, mong muốn tập đoàn trong tương lai phải có một lãnh đạo kiệt xuất, nên Phạm Thắng đã đồng ý với ý tưởng “điên khùng” của vị giáo sư Ái (diễn viên Đức Hảo) sẽ cho ra đời một đứa trẻ biến đổi gen có trí thông minh và năng lực siêu phàm, có thể thay ông đưa doanh nghiệp “cất cánh”. Trước đó, hành vi biến đổi gen người vốn đã bị các nhà khoa học trên thế giới phản ứng kịch liệt.
Đúng như mong đợi, con trai họ - Phạm Tân Kỷ Nguyên - lớn lên đã trở thành một “siêu nhân”. Hơn 20 tuổi đã có bằng tiến sĩ vật lý lượng tử, cùng nhiều nghiên cứu khoa học gây chấn động. Chính Kỷ Nguyên đã tiến hành cấy máy móc điện tử vào não của bà Dịu (là dì ruột của ông Thắng, bị mất trí và bại liệt, lúc này đã hơn 80 tuổi) và biến bà trở thành một Cyborg (Người lai cơ khí). Nhờ đó, bà Dịu đã có trí thông minh siêu phàm và cả năng lực tâm linh, bà tồn tại như một á thần. Một sự kiện trọng đại diễn ra là Kỷ Nguyên bắt đầu triển khai dự án “dịch chuyển liên hành tinh” (nỗ lực đưa con người đến một hành tinh xa xôi cách trái đất hàng trăm năm ánh sáng chỉ trong chưa đầy 30 giây). Song cũng từ đây đã làm nảy sinh hàng loạt hệ lụy khiến những người liên quan buộc phải trả giá bằng nỗi đau, bi kịch...
Xuyên suốt vở diễn, nhân vật Kỷ Nguyên do diễn viên trẻ Tuấn Thịnh đảm nhận đã gây được ấn tượng với khán giả. Dù là lứa diễn viên trẻ tuổi nhất của Nhà hát nhưng diễn xuất của anh đã thuyết phục được người xem. Với cách dẫn dắt câu chuyện mạch lạc, chặt chẽ, chuyển thể cải lương mượt mà trong những cảnh thực hiện biến đổi gen người; cảnh thực hiện dự án dịch chuyển liên hành tinh... được xử lý linh hoạt bởi sự phối hợp tổng thể từ âm nhạc, âm thanh, ánh sáng, thiết kế sân khấu cho tới động tác hình thể, trang phục và diễn xuất của nghệ sĩ biểu diễn. Đặc biệt, việc dùng âm nhạc đương đại như pop, rock, rap, EDM... để hòa âm cùng các làn điệu cải lương như các điệu lý, quảng, bản nhỏ thậm chí cả oán lớn, đã tạo ra một cảm quan âm nhạc mới lạ mang màu sắc đương đại.
Trong bối cảnh toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, đem lại cả sự tích cực lẫn tiêu cực cho cuộc sống con người, thì vở cải lương “Cánh cửa khép hờ” với thông điệp đưa ra lời cảnh tỉnh nhân loại trước xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và AI đang diễn ra tràn lan hiện nay; đồng thời khẳng định mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành và thuận chiều với các quy luật của tự nhiên như luật hấp dẫn, luật cân bằng, luật nhân quả. Mọi tham vọng tác động làm biến đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại lợi ích vị kỷ, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại.
Có thể thấy ở “Cánh cửa khép hờ”, NSND Triệu Trung Kiên đã phát huy tối đa năng lực sáng tạo với những tìm tòi mới lạ, chắp cánh cho sân khấu cải lương tiếp cận với đời sống hiện đại không chỉ từ đề tài mà còn bởi các thủ pháp dàn dựng sân khấu hiện đại. Sẽ rất lạ tai đối với những khán giả vốn nghe, xem quen cải lương truyền thống.
Bài và ảnh: MINH AN
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/san-khau-canh-tinh-lam-du...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận