Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy phải chịu mức án như thế nào?
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu như thế nào? Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?
Ma túy là tên gọi chung chỉ những chất kích thích khi dùng một lần có thể gây nghiện. Đây là hiểm họa đối với bất kỳ quốc gia, dân tộc nào. Từ những loại ma túy phổ biến ban đầu như heroine, cần sa… ngày nay, những loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều và gây ra tác hại to lớn đối với sức khỏe, tinh thần, thể chất và cuộc sống của người sử dụng chúng.
Thế nhưng, không ít người vẫn tìm đến ma túy, thậm chí mua, bán, rủ rê, tổ chức cho những người khác sử dụng trái phép chất ma túy, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng cho biết: "Theo quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ 2 năm - 7 năm. Đối với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, hình phạt nặng nhất tại là tù 20 năm hoặc tù chung thân (khoản 4, Điều 255). Ngoài ra thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."
Hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma tuý, chất gây nghiện, chất hướng thần mới, được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống… nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Mỗi loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng, việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp. Nguy hiểm hơn là sẽ gây ra tình trạng “nghiện” ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy. Nếu sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng “rối loạn thần kinh” thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể (hay còn gọi là “sốc ma túy”). Đồng thời, do ảnh hưởng các chất ma tuý mà người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình, dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật.
Khi đã lệ thuộc ma tuý, nhu cầu về tiền bạc đối với người nghiện rất lớn. Nếu khả năng về tài chính của bản thân họ và gia đình không thể đáp ứng, họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy thoả mãn cơn nghiện, kể cả giết người, cướp của... Điều này được minh chứng qua tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta thời gian qua. Vậy nên, bên cạnh công tác đấu tranh, trấn áp đối với tội phạm về ma túy của lực lượng cảnh sát thì mỗi cá nhân, gia đình phải tự nâng cao hiểu biết, giáo dục con em tránh xa các chất ma túy gây nghiện./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận