Cảnh giác với biến tướng tín dụng đen
Có đôi lúc kẹt tiền bất tử không biết vay mượn ở đâu nên nhiều người đã tìm đến tín dụng đen để xoay sở. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn thì số tiền vay được rất ít, mà lãi phải trả lại quá cao thậm chí gấp nhiều lần so với vốn vay.
Các hình thức cho vay lãi nặng hay còn gọi là “tín dụng đen” dù đã được cơ quan chức năng trấn áp nhưng loại tội phạm này luôn biến tướng tinh vi, khiến nhiều người vướng bẫy.
Nếu như trước kia những tờ thông giấy thông tin cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản, nhanh gọn được dán ở các cột điện, thân cây, các điểm công công hay cho vay qua app thì gần đây lại xuất hiện thêm những tờ rơi “hỗ trợ tài chính” được công khai phát ở một số tuyến đường từ thành thị đến nông thôn. Trong đó, nội dung ghi số điện thoại cần liên hệ hỗ trợ cho vay, đảm bảo thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong ngày, có hoa hồng cho người giới thiệu.
"Bọn chúng ghé vào đây xong vô nhà đánh. Dây xích dài khoảng 5 tấc, trên đầu cọng dây xích có nguyên ổ khóa. Khi nó nhảy xuống xe, nhào vô đánh một thằng vô đánh trước, một thằng kia cầm dây xích vô sau. Trong băng nhóm của nó có 4 chiếc xe, 8 người…", bà Ánh nhớ lại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thường số tiền vay không lớn, chỉ từ 2 - 5 triệu đồng. Tuy nhiên lãi suất hằng ngày, hằng tuần và hằng tháng rất cao. Đó là một kiểu trấn lột mà đối tượng cho vay đặt ra. Do không đáp ứng thỏa thuận này nên có người phải góp số tiền lớn hơn hàng chục lần số tiền đã vay ban đầu vì trễ hẹn. Còn không góp lại từ đầu hoặc không trả tiền thì đối tượng cho vay sẽ dùng tới bạo lực.
Qua ghi nhận, trong năm 2022, các cơ quan chức năng toàn tỉnh Hậu Giang tiếp nhận 6 tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Kết quả, khởi tố 2 vụ, 3 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 2 vụ, 7 đối tượng với số tiền 105 triệu đồng; đang tiếp tục xác minh 2 vụ.
Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự, năm 2022, cơ quan Công an các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận, phát hiện gần 1.000 vụ/1.600 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”, qua đó khởi tố hơn 500 vụ, xử phạt hành chính hơn 150 vụ. Riêng trong đợt cao điểm ra quân trấn áp tội phạm dịp Tết Nguyên đán 2023, Công an các đơn vị địa phương đồng loạt triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng hoạt động “tín dụng đen” để răn đe, xử lý nghiêm.
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn phổ biến, của các đối tượng là đưa ra nhiều gói vay để nạn nhân thấy số tiền lãi nhỏ nhưng phần chi phí, phí dịch vụ tiền phạt cao, do đó lãi suất sẽ được nâng lên tính theo năm, có thể lên đến từ 300% - 500% thậm chí có vụ 1.000% - 1.200%
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động. Cùng với đó là xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân có liên quan không chủ động phát hiện, đấu tranh, để đơn vị, địa phương khác xử lý.
Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm từng nhấn mạnh, tiếp tục duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh mẽ tội phạm liên quan đến tín dụng đen như hiện nay. Khẩn trương có hướng dẫn để giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến xử lý tội phạm tín dụng đen vi phạm pháp luật. Chúng tôi cũng đề nghị phối hợp với ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa các hình thức cho vay để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng lành mạnh để không có cơ hội cho tín dụng đen có đất hoạt động.
Nói về giải pháp của ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, cho biết hiện Ngân hàng nhà nước đang tăng cường cho các ngân hàng chủ động tiếp cận nhu cầu vay của người dân.
"Chúng tôi đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dạn cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; thứ hai là sử dụng biện pháp công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Thời gian tới, để tạo điều kiện cho hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, lành mạnh, về phía các cơ quan quản lý, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các công ty tài chính./.
Mộng Toàn/VOV- Giao thông
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận