Tăng cường nhận thức và hành động trong phổ biến pháp luật
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị cần tiếp tục tăng cường nhận thức của cả hệ thống chính trị trong phổ biến giáo dục về pháp luật.
Chiều ngày 10/02, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức phiên họp triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo tình hình hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng cho biết từ năm 2013 đến ngày 7/8/2021, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập và kiện toàn theo Quyết định 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
Theo đó, Hội đồng là thiết chế tư vấn cho Chính phủ, UBND cấp tỉnh, huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác giáo dục pháp luật. Hội đồng trung ương do Bộ tưởng Bộ Tư pháp làm chủ tịch với 33 thành viên; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 100% đơn vị cấp huyện đã thành lập hội đồng do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp làm Chủ tịch với 30-48 thành viên.
Đến ngày 21/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó lần đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bước đầu thảo luận tại phiên họp cho thấy thời gian qua Hội đồng các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn về tổ chức và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả hoạt động của Hội đồng đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật; tăng cường chất lượng, hiệu qủa công tác phổ biến giáo dục pháp luật; đảm bảo quyền được thông tin pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.
Đến nay cả nước có trên 2.300 báo cáo viên pháp luật trung ương, trên 7.200 báo cáo viên cấp tỉnh, 17 nghìn báo cáo viện cấp huyện và gần 142 nghìn tuyên truyền viên cấp xã. Cùng với đội ngũ này, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật rộng rãi trong nhân dân. Ở nhiều địa phương đã huy động được sự tham gia của luật sư, tư vấn viên pháp luật, hằng năm các luật sư đã tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí khoảng 17 nghìn vụ việc.
Về giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên, tham luận tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Hội đồng cho rằng, thời gian qua, các nhà trường thường xuyên quan tâm, đổi mới phương thức giảng dạy pháp luật chính khóa, hoạt động ngoại khóa, ưu tiên kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để phát huy tính chủ động, sáng tạo cho người học; xây dựng bài giảng điện tử, các mô hình trực quan….
Nhờ đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường đã dần đi vào nề nếp, có chiều sâu và thực tiễn hơn, đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước nói chung. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện. Kết quả phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ thể hiện trong phạm vi của ngành mà còn lan tỏa ra môi trường xung quanh, thể hiện vai trò trung tâm của các cơ sở giáo dục.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thảo luận tại phiên họp, các ý kiến cho rằng việc tuyên truyền phổ biến giáo dục cần tăng cường, hướng tới đối tượng rộng rãi không chỉ nhân dân trong nước mà cả kiều bào ta ở nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật cần hướng tới những đối tượng trọng tâm trọng điểm, đó là người lao động và chủ doanh nghiệp. Hiện nay ở khu vực này vi phạm pháp luật đối với người lao động nhiều. Tương tự ngược lại, người lao động cũng có những vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp. Ông Hiểu cũng đề xuất thêm việc cần cần chú ý phổ biến pháp luật cho bà con vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế. Đây là đối tượng ít có điều kiện tiếp cận pháp luật.
Về giáo dục, phổ biến pháp luật cho người nước ngoài, ông Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, ủy viên Hội đồng nêu một thực tế: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua, nhiều văn bản về chủ trương, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước đã được ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác thông tin, phổ biến giáo dục pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam thuộc diện Bộ Ngoại giao quản lý hoặc tham gia quản lý, vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập.
Cụ thể như các quy định pháp luật có liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, do nhiều Bộ ngành khác nhau quản lý, phụ trách. Đôi khi việc xác định cơ quan nào là cơ quan chủ quản phục trách vấn đề liên quan gặp khó khăn, nhất là những vấn đề mang tính liên ngành.
Người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam xuất phát từ các quốc gia khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt hay tiếng Anh, do đó thường gặp rào cản khi tiếp cận văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chưa hiệu quả và sâu rộng.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Hội đồng đã tham mưu với Ban Bí thư, Chính phủ về công tác tuyền truyền phổ biến pháp luật và việc Chính phủ kiện toàn hội đồng là cơ sở để Hội đồng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thời gian qua Hội đồng đã đôn đốc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục luật, huy động sự tham gia của nhiều lực lượng vào công tác này. Tuy nhiên công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, hoạt động phối hợp giữa các thành viên Hội đồng, giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên nhất là trong các lĩnh vực, địa bàn hoặc nhóm đối tượng cần có sự phối hợp liên ngành. Việc thực hiện một số chương trình phối hợp về phổ biến, giáo dục pháp luật còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị cần tiếp tục tăng cường nhận thức của cả hệ thống chính trị trong phổ biến giáo dục về pháp luật. Vừa qua một số vi phạm được phát hiện khi đưa ra đều nói không hiểu rõ pháp luật, không biết quy định của pháp luật nên bị vi phạm. Do vậy, Phó Thủ tướng đề nghị, cần hết sức coi trọng vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Luật sư, của Liên đoàn Luật sư, hệ thống các đơn vị truyền thông cần cùng tham gia vào phổ biến giáo dục pháp luật. Vấn đề thứ 2 cần tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận