Công bố 60 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2019
Tổng doanh thu năm 2018 của các doanh nghiệp này đạt 693.657 tỷ VND, tương đương 30,6 tỷ USD – chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT Việt Nam năm 2018 (doanh thu toàn ngành 98,7 tỷ USD), với tổng nhân lực là 184.077 người, chiếm xấp xỉ 20% tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam.
Bảng xếp hạng này lựa chọn các doanh nghiệp công nghệ uy tín, có năng lực tiêu biểu của Việt Nam từ đó giới thiệu và kết nối hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Do đó, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chí liên quan đến tài chính, nhân lực, thị trường và khách hàng…, Top 10 các doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu còn phải đáp ứng được 4 tiêu chí quan trọng gồm năng lực về công nghệ, những dự án đã triển khai, số lượng các kỹ sư có bằng cấp, chứng chỉ về công nghệ mới.
Cùng đứng trong Top 10 các doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu còn có các tên tuổi khác như: FPT, VNPT, MobiFone, công ty giải pháp DN Viettel...
Theo số liệu thống kê từ Ban tổ chức chương trình, năm nay các doanh nghiệp đăng ký vào nhóm các doanh nghiệp có năng lực 4.0 chiếm trên 1/3 tổng số doanh nghiệp tham gia. Qua việc thẩm định các doanh nghiệp đề cử trong nhóm này, các đoàn chuyên gia cũng ghi nhận các doanh nghiệp đều có nhận thức rất rõ việc ứng dụng và phát triển các ứng dụng chuyển đổi số để gia tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí và thời gian, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều đơn vị đã thành lập các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)…
Về doanh thu, một số doanh nghiệp có sự tăng trưởng rất tốt trong năm 2018 cả về doanh thu và nhân lực, tiêu biểu như Rikkeisoft, Misa, KMS, FSI, Ominext, Saigon BPO… Theo số liệu thống kê, 50+10 doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2018 đạt 693.657 tỷ VND, tương đương 30,6 tỷ, chiếm 31% doanh thu toàn ngành CNTT năm 2018; tổng số nhân lực là 184.077 người, chiếm xấp xỉ 20% tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam.
Chương trình năm nay được triển khai trong bối cảnh các hiệu ứng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng lan tỏa và rõ nét. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những hành động hết sức quyết liệt.
Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang dự thảo trình Chính phủ Đề án chuyển đổi số quốc gia (dự kiến sẽ ban hành cuối năm 2019), trong đó nêu rõ các giai đoạn chuyển đổi số cho Việt Nam từ nay đến năm 2030 gồm: giai đoạn 1 (2019-2020) sẽ số hóa các lĩnh vực kinh tế-xã hội ; giai đoạn 2 (2021-2025): Số hóa thành lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu; giai đoạn 3 (2026-2030): Kinh tế-xã hội số toàn diện.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hiện thực hóa những giải pháp và mục tiêu đó, nhất là khi Hội nghị Trung ương 5, khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ban tổ chức Chương trình cũng cho biết, ấn phẩm “Vietnam’s 50+10 Leading IT companies 2019” năm nay, lần đầu tiên giới thiệu một số doanh nghiệp có các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ 4.0 tiềm năng, với những sản phẩm, giải pháp ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chương trình này được kỳ vọng sẽ lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp CNTT có năng lực, có uy tín tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả xây dựng, quảng bá hình ảnh, kết nối hợp tác cho các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế.
Hiền Minh( Nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận